Thị trường logistiscs toàn cầu những tháng đầu năm
Trong những tháng đầu năm 2022, thị trường logistics toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhưng khó khăn chưa thuyên giảm do căng thẳng chiến tranh Nga-Ukranie, dịch bệnh, lạm phát và giá dầu tăng cao... Tại châu Âu, tác động của lạm phát đối với nguồn cung của thị trường vận tải hàng hóa khu vực này, đặc biệt là tình trạng giá dầu diesel, đã dẫn đến mức tăng đáng kể về chi phí vận tải trong quý I/2022.
Việc hạn chế nguồn cung dầu từ Nga vào châu Âu càng tạo thêm áp lực tăng giá cước vận tải và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác. Giá trung bình gia quyền của một lít dầu diesel trên toàn EU đã tăng mạnh (chi phí bình quân gia quyền của dầu diesel trong quý I/2022 tăng hơn 52,7% so với mức thấp nhất là 1,10 Euro trong quý II/2020) đã ảnh hưởng đến hoạt động logistics. Trước tình hình đó, ngày 23/5/2022, Ủy ban châu Âu đã phải thông qua Kế hoạch Dự phòng cho Giao thông vận tải nhằm tăng cường khả năng phục hồi của lĩnh vực vận tải trong thời kỳ khủng hoảng, qua đó giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng như trong gần 3 năm đại dịch COVID-19 vừa qua.
Tại Hoa Kỳ, số liệu của Cơ quan Thống kê vận tải Hoa Kỳ (BTS) cho thấy, chỉ số dịch vụ vận tải hàng hóa (TSI) của nước này trong tháng 3/2022 đã tăng 0,7% so với tháng 02/2022. Chỉ số Logistics Manager đã giảm xuống 69,7 điểm vào tháng 4/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, sau khi đạt kỷ lục 76,2 điểm vào tháng 3/2022 do các chỉ số thành phần chính giảm.
Hiện nay, tại thị trường nước này, một số tín hiệu tích cực được ghi nhận trên thị trường vận chuyển xe tải trong tháng 5/2022 khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được nới lỏng. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu lại đang là một yếu tố tiêu cực lớn đối với chỉ số về vận tải bằng xe tải nói riêng và lĩnh vực logistics nói chung...
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vận chuyển bằng đường thủy của nước này đạt 2,63 tỷ tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa qua các cảng Trung Quốc là 4.905 triệu tấn, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng container thông qua các cảng Trung Quốc là 91 triệu TEU, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Theo công bố của Liên đoàn Mua hàng và Logistics Trung Quốc, Chỉ số phát triển ngành logistics của nước này tháng 4/2022 là 43,8%, giảm 4,9 điểm phần trăm so với tháng trước; chỉ số kho bãi của Trung Quốc là 46,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước...
Tại Hàn Quốc, Chỉ số giá vận tải của Hàn Quốc tăng từ mức 109,11 vào tháng 01/2022 và lên mức 119,2 vào tháng 4/2022. Bên cạnh sự tác động của chỉ số giá, hoạt động logistics của nước này trong những tháng đầu năm cũng tác động bởi các cuộc đình công của công nhân trong lĩnh vực vận tải của Hàn Quốc diễn ra trong tháng 6/2022. Tại Singapore, tháng 4/2022, tổng lưu lượng container qua cảng Singapore đạt 3,04 triệu TEU giảm 1,54% so tháng 3/2022 và giảm 1,59% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng lưu lượng container qua cảng Singapore đạt 12,11 triệu TEU, giảm 2,48% so với cùng kỳ năm 2021...
Yếu tố tác động đến ngành logistics toàn cầu năm 2022
Nhiều dự báo chỉ ra rằng, trong năm 2022, các DN thuộc chuỗi cung ứng và logistics tiếp tục chịu áp lực rất lớn vì hạn chế về nguồn lực, chi phí vận chuyển tăng vọt, xung đột địa chính trị... Trong đó, có một số yếu tố tác động chính đến lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng trong năm 2022 và giai đoạn ngắn hạn sắp tới:
- Nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng cao: Do đại dịch COVID-19 bắt đầu từ năm 2020, nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng hóa lâu bền như thiết bị gia dụng, quần áo... tăng cao, gây áp lực căng thẳng lên chuỗi cung ứng và hoạt động logistics toàn cầu khi chưa phục hội và đáp ứng kịp.
- Mất cân đối trong chi phí: Cơ sở hạ tầng logistics hiện tại không theo kịp nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tạo ra sự suy giảm năng lực nghiêm trọng tại các cảng và toàn tuyến phân phối chặng cuối. Tình trạng thiếu lao động cũng khiến các nhà nhập khẩu và DN logistics mất cân bằng trong việc tiết kiệm chi phí và vận chuyển hiệu quả. Ngoài ra, khả năng lưu thông hàng hóa bị cản trở do container đường biển đang thiếu hụt.
- Xung đột địa chính trị: Trong bối cảnh các cuộc xung đột đang diễn ra, với các lệnh trừng phạt giữa các quốc gia, nhiều DN vận chuyển đang đối mặt thách thức lớn trong quan hệ đối tác thương mại. Họ phải sàng lọc đối tác tuân thủ quy định xuất khẩu để đơn giản hóa hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, trước xu thế giá xăng dầu nói riêng và lạm phát nói chung tăng cao, các DN sẽ phải tìm nguồn cung ứng thay thế để giảm thiểu rủi ro.
- Phát triển bền vững: Với việc ngày càng nhiều quốc gia hướng người tiêu dùng và các DN hành động vì môi trường, chuỗi cung ứng và hoạt động logistics cần phải thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, các DN logistics cần tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng luôn đi đôi với cải thiện môi trường, giảm phát khí CO2...
- Tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động trong ngành logistics: Đây là mối lo ngại ngày càng tăng. Theo số liệu của Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS), cùng với Philippines và Trung Quốc, Ấn Độ là một trong những nước cung cấp thuyền viên lớn nhất cho thế giới với khoảng 240.000 trong số khoảng hơn 1,6 triệu thuyền viên trên toàn cầu hiện nay. Việc các thuyền viên đến từ quốc gia này bị nhiễm COVID-19 khiến ngành Vận tải biển đối mặt với viễn cảnh toàn bộ thuyền viên trên tàu bị nhiễm bệnh phải dừng hoạt động của những con tàu này.
Tình trạng trên có thể gây ra cú sốc cho ngành Vận tải biển (vốn chiếm 80% giá trị thương mại toàn cầu). Hay như tình trạng thiếu tài xế tiếp tục ảnh hưởng đến năng lực vận tải đường bộ, gây gián đoạn luồng hàng hóa. Theo Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ, tình trạng thiếu hụt lái xe hiện tại của Mỹ là 80.000 người, dự kiến thiếu hơn 160.000 lái xe vào năm 2030. Trong thập kỷ tới, ngành vận tải đường bộ sẽ cần gần một triệu lái xe mới để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tài xế về hưu và các áp lực chuỗi cung ứng khác. Tình trạng thiếu nguồn cung lao động sẽ là rủi ro lớn và yếu tố tác động mạnh đến hoạt động logistics toàn cầu, bất chấp nỗ lực số hóa bởi vẫn có nhiều khâu, công đoạn cần sự tham gia của con người.
Hàm ý đối với Việt Nam
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng các DN logistics Việt Nam vẫn trụ vững, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng dương. Mặc dù vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: chi phí cao, liên kết giữa các DN logistics cũng như với DN sản xuất, xuất khẩu yếu; chuyển đổi số trong ngành chậm… Theo số liệu từ Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, hiện 90% các DN logistics đang hoạt động là DN Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài. Số lượng DN nhiều nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, DN logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.
Năm 2022 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành logistics, đòi hỏi các DN logistics Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tăng cường liên kết nội khối mới có thể tiếp tục vượt qua được thách thức, vươn lên xứng đáng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế. Theo Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, Chính phủ định hướng sử dụng, đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức tuyên truyền khuyến khích các DN nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics. Thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở tình hình hoạt động logistics toàn cầu và Việt Nam gắn với việc thực hiện thành công Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có lĩnh vực dịch vụ logistics, tác giả đề xuất một số nội dung sau:
Đối với các cơ quan quản lý
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải. Theo đó, sửa đổi một số quy định, bổ sung về dịch vụ logistics và vận tải tại Luật Thương mại, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới. Bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
- Gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt khâu thủ tục hải quan và tại biên giới (tăng cường tổ chức, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ...), phát triển các cổng thông tin logistics, EDI, e-logistics...
- Cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực đổi mới kết cấu hạ tầng logistics, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông, trung tâm logistics phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng. Xử lý các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng như năng suất các cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi và điểm trung chuyển; quy hoạch vận tải đa phương thức thúc đẩy phát triển nhanh các phương thức vận tải hàng hóa chi phí thấp...
- Đổi mới cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics do hiện nay còn thiếu sức hấp dẫn, không có ưu đãi, thậm chí không mang tính khuyến khích bằng đầu tư khu công nghiệp. Khuyến khích đầu tư tư nhân, DN và mô hình hợp tác công tư (PPP)...
- Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua các hoạt động kết nối giao thương (kể cả trực tuyến), đăng cai và tham dự các hội nghị, triển lãm quan trọng của ngành logistics quốc tế.
Đối với các DN
- Triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics; Áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các DN.
- Phát triển đa dạng các trung tâm phân phối tại các thành phố, đô thị lớn trên cả nước nhằm phục vụ thị trường bán lẻ, các trung tâm logistics gần các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu.
- Tái cấu trúc logistics, trong đó thúc đẩy sự phát triển các loại hình logistics (3PLs, 4PLs, 5PLs) trong nước, xem đây là tiền đề phát triển thị trường logistics của Việt Nam.
Đối với các cơ sở đào tạo
- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải hàng hải... Đẩy nhanh chương trình đào tạo các chuyên gia logistics có kỹ năng ứng dụng và triển khai các thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển...
- Đổi mới nội dung, phương thức giảng dạy theo hướng gắn với thực tiễn của DN và xu thế phát triển của dịch vụ logistics trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 531/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
2. Bộ Công Thương (2021), Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021;
3. Bộ Công Thương (2022), Báo cáo thị trường logistics ASEAN số tháng 5/2022;
4. Bộ Công Thương (2022), Báo cáo thị trường logistics Trung Quốc tháng 5/2022;
5. Bộ Công Thương (2022), Báo cáo thị trường logistics Hoa Kỳ số tháng 5/2022;
6. Thanh Thư (2022), 5 yếu tố tác động đến ngành logistics toàn cầu năm 2022, Vnexpress.net;
7. Xu hướng logistics toàn cầu 2022. Link truy cập: https://innovativehub.com.vn/xu-huong-logistics-toan-cau-2022.
*ThS. Bùi Thị Hằng - Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải