Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: Cắt giảm thủ tục hành chính; miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động... Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (huyện Sóc Sơn).

Sức chống chịu tới ngưỡng

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2021, cả nước có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.304,4 nghìn tỷ đồng, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm 18,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tại Hà Nội, mặc dù trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 76%, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%...

Số liệu trên cho thấy, “bức tranh” doanh nghiệp nhìn chung thiếu màu sáng, do ảnh hưởng liên tục từ dịch Covid-19 suốt 2 năm 2020, 2021. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch khiến hầu hết doanh nghiệp đều rơi vào cảnh hoạt động đình trệ do thiếu nguyên liệu đầu vào, mất kết nối với chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng hoặc không thể hoàn thành đơn hàng đã ký với đối tác, trong khi chi phí liên quan đến phòng, chống dịch gia tăng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, dường như sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới ngưỡng và có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế toàn cầu. Còn Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Minh Thảo thông tin, khi trở lại sản xuất, doanh nghiệp gặp phải tình trạng thiếu lao động cục bộ vì chưa thể khắc phục sự đứt quãng trên thị trường lao động mấy tháng qua.

Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đang tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Tại các khu công nghiệp, đã có hơn 90% đơn vị trở lại hoạt động. Cùng với đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 10-2021, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn là 80.576 tỷ đồng. 

10 tháng năm 2021, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn là 80.576 tỷ đồng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Nguyễn Quang

Hỗ trợ mạnh mẽ, “đủ liều”

Dưới góc độ cộng đồng doanh nghiệp, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, cần có một số giải pháp mang tính cấp bách, đột phá. Đó là, chủ động rà soát, sửa đổi ngay những quy định, chính sách đang là rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn… Các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh, giúp doanh nghiệp ngăn chặn tình trạng mất thanh khoản, giải thể...

Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (huyện Hoài Đức) Nguyễn Việt Hưng cho rằng, doanh nghiệp đang mong chờ những mức độ hỗ trợ “đủ liều”, như: Cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, giảm 50% mức nộp các loại bảo hiểm trong các năm 2021, 2022… Tương tự, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, kinh nghiệm đối phó với dịch của chính quyền và doanh nghiệp giúp việc khôi phục sản xuất nhanh hơn. Tuy nhiên, thách thức rất lớn nên cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa. 

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, cần tranh thủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nhắm tới 2 đích, vừa góp phần hoàn thiện hạ tầng, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì việc làm, tiêu thụ nguyên liệu. Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 nên được xác định là giải pháp thiết thực, căn cơ nhất nhằm tạo sự ổn định, an toàn cho xã hội, từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.

Từ góc độ địa phương, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV-2021 và các năm 2022, 2023 với 3 mục tiêu chính, trong đó có hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thành phố yêu cầu thực hiện nhanh nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại...

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong hai năm 2020, 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Theo Bộ Tài chính, thực hiện các giải pháp trên, dự kiến ngân sách năm 2021 sẽ giảm thu khoảng 20 nghìn tỷ đồng, song số tiền này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

HỒNG SƠN