Hơn 600 nhà báo tại 117 quốc gia đã thu thập tài liệu từ 14 nguồn khác nhau trong những tháng qua và phát hiện ra những câu chuyện sẽ được công bố trong tuần này.
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Washington DC hiện nắm giữ những tài liệu trên và đã làm việc với hơn 140 tổ chức truyền thông cho cuộc điều tra lớn nhất trên toàn cầu này.
BBC Panorama và The Guardian đã dẫn đầu cuộc điều tra ở Anh.
Hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1 triệu email và gần nửa triệu bảng tính. Những hồ sơ này đã tiết một cách thức một số nhân vật quyền lực nhất thế giới, trong đó có hơn 330 chính trị gia từ 90 quốc gia đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu sự giàu có của mình.
Lakshmi Kumar thuộc think tank Tài chính Toàn cầu tại Mỹ giải thích, những người này “có thể chuyển và rút tiền cũng như che giấu nó", thường là qua việc sử dụng các công ty ẩn danh.
Những bí mật được tiết lộ
Hồ sơ Pandora đã tiết lộ các mạng lưới những công ty được thành lập xuyên biên giới, thường là nhằm che giấu việc sở hữu tiền hoặc tài sản.
Chẳng hạn, một số người có tài sản ở Anh nhưng lại sở hữu nó qua một chuỗi các công ty được đặt ở những quốc gia khác, hay còn gọi là các công ty "ngoại biên" (offshore).
Những công ty hoặc vùng lãnh thổ ngoại biên này là những nơi:
- Dễ thành lập các công ty
- Có những điều khoản trong luật pháp khó có thể xác định chủ sở hữu của các công ty
- Không có, hoặc chỉ có thuế doanh nghiệp ở mức thấp.
Những điểm đến này thường được gọi là các "thiên đường thuế". Không có danh sách định nghĩa các thiên đường thuế này nhưng những điểm đến được biết đến nhiều nhất gồm có: các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh như Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh; cũng như các quốc gia như Thụy Sĩ và Singapore.
Sử dụng thiên đường thuế để cất giữ tài khoản có phải bất hợp pháp hay không?
Những lỗ hổng trong luật pháp khiến cho một số người có thể tránh phải nộp một số khoản thuế một cách hợp pháp bằng cách chuyển tiền hoặc thành lập các công ty ở những thiên đường thuế, tuy nhiên, điều này thường bị coi là phi đạo đức. Chính phủ Anh nhận định, hành vi tránh thuế là sự thực thi theo ngôn từ chứ không phải tinh thần của luật pháp.
Có một số lý do hợp pháp mà một số người có lẽ muốn cất giữ tiền hoặc tài sản ở những quốc gia khác, chẳng hạn như bảo vệ tài sản của mình trước sự tấn công của tội phạm hoặc trước những chính quyền bất ổn.
Mặc dù việc sở hữu những tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp nhưng việc sử dụng một mạng lưới phức tạp các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản là một cách hoàn hảo để che giấu những khoản tiền khu được từ các hành vi phạm tội.
Sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, đã có nhiều lời kêu gọi các chính trị gia có các biện pháp nhằm khiến các hành vi tránh thuế và che giấu tài sản trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo ông Ryle nhận định, vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora đã cho thấy "những người có thể chấm dứt việc sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài lại chính là những người đang hưởng lợi từ việc đó. Do vậy, họ không có lý do nào để chấm dứt nó".
Che giấu tiền ở nước ngoài dễ dàng như thế nào?
Tất cả những gì cần làm là thành lập một công ty ma tại một trong những quốc gia có mức độ bảo mật cao. Đây là một công ty chỉ tồn tại trên danh nghĩa chứ không có nhân viên hay văn phòng.
Mặc dù vậy việc này vẫn tốn một khoản chi phí. Các công ty chuyên biệt được trả tiền để thành lập và thay mặt khách hàng điều hành các công ty ma. Những công ty này có thể cung cấp tên và địa chỉ của giám đốc được thuê điều hành, vì thế, không có manh mối nào để tìm ra được cuối cùng ai mới là người đứng sau công ty.
Lượng tiền được che giấu ở nước ngoài nhiều như thế nào?
Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn nhưng theo ICIJ, con số này ước tính dao động từ 5.600 - 32.000 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, việc sử dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên thế giới thất thoát khoảng 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Bà Kumas đánh giá điều này sẽ gây ra tổn hại cho phần còn lại của xã hội./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)