Ghi nhãn phụ tiếng Việt cho hàng hoá nhập khẩu là quy định bắt buộc
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng thì việc đọc được các thông tin nhãn hàng hóa gắn trên sản phẩm là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Do đó, việc ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hóa, sản phẩm nhậu khẩu là điều kiện bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trước khi đưa hàng hóa đó ra thị trường.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Chi nhánh thuộc Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm tại địa chỉ 148 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này”.
Theo quy định trên, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu cũng phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.
Dấu hiệu vi phạm tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm
Mặc dù việc ghi nhãn phụ là quy định bắt buộc, tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa và tham gia kinh doanh vẫn chưa thực hiện đúng việc ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa là hàng nhập khẩu. Trong đó, phải kể đến trường hợp Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm.
Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm là một hệ thống cửa hàng chuyên bán các mặt hàng dành cho mẹ và bé (quần áo, sữa, bỉm, bột ăn dặm, đồ chơi cho bé...) với nhiều địa chỉ kinh doanh tại Hà Nội (nhiều nhất với 19 cửa hàng) và tại các tỉnh, thành phố khác như Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương và TP.HCM. Chủ sở hữu hệ thống này là bà Vũ Thị Trang.
Một cửa hàng thuộc Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm tại V9-A04 102 Nguyễn Thanh Bình, Hà Đông, Hà Nội.
Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), tại hệ thống này có rất nhiều sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài được bày bán công khai nhưng không ghi nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Có thể đến các sản phẩm không ghi nhãn phụ như: bỉm, bánh ăn dặm cho trẻ, sữa, mì ăn dặm, sữa tắm gội cho bé.
Cụ thể, tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm, sản phẩm mì dặm Mug Nissin không ghi nhãn phụ Tiếng Việt. Do đó, khách hàng khó có thể biết được sản phẩm mì này xuất xứ từ đâu, thành phần bao gồm những gì, cách sử dụng ra sao, dùng cho trẻ bao nhiêu tuổi.
Một sản phẩm khác là sữa Meiji được bán tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm cũng không có nhãn phụ Tiếng Việt. Phỏng vấn nhanh một người tiêu dùng vừa mua sản phẩm này tại cửa hàng Ếch Cốm khu vực HH Linh Đàm, người này cho biết: "Rất may là tôi đã dùng sản phẩm sữa này cho con nhiều lần nên biết cách dùng, nếu là người lần đầu dùng thì rất khó để sử dụng đúng cách. Việc không có nhãn phụ Tiếng Việt rất dễ khiến các bậc phụ huynh dùng nhầm sữa vì mỗi loại sữa dùng cho độ tuổi khác nhau. Thêm vào đó, việc pha sữa sai cách, sai liều lượng rất dễ dẫn đến những vấn đề sức khoẻ cho trẻ em".
Sản phẩm sữa Meiji bán tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm cũng không có nhãn phụ Tiếng Việt khiến người dùng gặp khó khăn khi lựa chọn, sử dụng.
Không chỉ sản phẩm mì ăn dặm hay sữa, nhiều sản phẩm bánh ăn dặm cho trẻ tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm cũng không ghi đầy đủ nhãn phụ Tiếng Việt.
Chia sẻ với phóng viên, chị N.T.N, một khách hàng mua hàng tại cơ sở Ếch Cốm V9-A04 102 Nguyễn Thanh Bình, Hà Đông cho biết: "Gần đây tôi thấy cửa hàng này bán đồ cho trẻ nên muốn mua cho con ít bánh ăn dặm. Tuy nhiên, khi cầm vào sản phẩm thì không thấy có chữ Tiếng Việt nên cũng không dám mua cho con dùng. Vì nếu mình không biết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, cách dùng sản phẩm, hay những cảnh báo về hàng hoá của nhà sản xuất thì con mình có thể gặp rủi ro khi sử dụng. Tôi sẽ chọn một cửa hàng khác để mua hàng".
Nhiều sản phẩm bánh ăn dặm bán tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm không có thông tin Tiếng Việt. Do vậy, người tiêu dùng rất khó biết được nguồn gốc, cách sử dụng sản phẩm.
Để kiểm chứng thông tin, trong vai người tiêu dùng, phóng viên cũng nhận thấy không chỉ thực phẩm, sữa, tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm, nhiều sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, sữa tắm gội, một số loại vitamin dành cho trẻ em bày bán trên kệ hàng cũng không được ghi nhãn Tiếng Việt theo quy định. Khi phóng viên hỏi vì sao hàng hoá lại không ghi nhãn phụ thì nhân viên của Ếch Cốm chỉ cười, đồng thời nói vấn đề thuộc về chủ sở hữu, nhân viên chỉ đi làm thuê nên không biết.
Không chỉ có thực phẩm và sữa, sản phẩm sữa tắm gội bán tại Ếch Cốm cũng không có nhãn phụ Tiếng Việt.
"Coi nhẹ" sức khoẻ và an toàn của người dùng?
Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc xuất xứ, chủng loại, thành phần, cách sử dụng sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Nhãn hàng hóa bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc được thể hiện lần đầu gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ: Ngôn ngữ bắt buộc của nhãn phụ là Tiếng Việt; các trường hợp bắt buộc phải có nhãn phụ là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam: Trong đó bao gồm các hàng hóa mà nhãn gốc chưa thể hiện đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có nhãn gốc sử dụng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt.
Có thể thấy, mặc dù luật pháp hiện hành đã quy định rất cụ thể, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm lại bất chấp pháp luật, bày bán công khai hàng hoá nhập khẩu nhưng không ghi nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Điều đáng lo ngại hơn là tại hệ thống này, hàng hoá hướng tới phục vụ cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ- vốn là những đối tượng nhạy cảm về sức khoẻ, cần được bảo vệ.
Việc không nắm được thông tin sản phẩm (xuất phát từ việc không có nhãn Tiếng Việt) có thể khiến người dùng gặp rủi ro về sức khoẻ. Khi đó, Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm có chịu trách nhiệm hay không? Các sản phẩm hàng hoá bán tại hệ thống này có đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, chứng từ chứng minh xuất xứ theo quy định của pháp luật hay không?
Trước thực trạng thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt số lượng lớn và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé Ếch Cốm, đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan… kiểm tra xác minh, xử lý sai phạm (nếu có) để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, mức tiền xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều này như sau (mức phạt áp dụng đối với tổ chức; cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật. |