Hệ sinh thái TNG Holdings Việt Nam gánh khối nợ khổng lồ 34 nghìn tỉ đồng

Kết thúc năm 2022, tính riêng 4 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái TNG Holdings Việt Nam đang gánh khối nợ khoảng 34.500 tỉ đồng (xấp xỉ 1,47 tỉ USD), trong đó bao gồm hơn 18.700 tỉ đồng nợ trái phiếu.
he-sinh-thai-tng-holdings-viet-nam-ganh-khoi-no-khong-lo-34-nghin-ti-dong-1685758521.jpg
Danh sách Các công ty thành viên trực thuộc TNG Holdings Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) đã có công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, kết thúc năm 2022, TNR Holdings báo lãi sau thuế gần 55 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kì.

Tại ngày 31.12.2022, vốn chủ sở hữu TNR Holdings đạt 2.116 tỉ đồng, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên đến 9,46 tương đương tổng nợ phải trả của TNR Holdings khoảng 20.000 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tại công ty còn hơn 9.000 tỉ đồng.

danh-sach-cac-cong-ty-thanh-vien-truc-thuoc-tng-holdings-viet-nam-1685758565.jpg
Kết quả kinh doanh TNR Holdings (thành viên của TNG Holdings) năm 2022. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo giới thiệu, TNR Holdings là thành viên nằm trong hệ sinh thái Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trên các lĩnh vực gồm: Bất động sản, Cho thuê bất động sản, Dịch vụ, Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng, Năng lượng, Nông nghiệp và Tài chính – Ngân hàng.

Đáng chú ý, ngoài TNR Holdings, nhiều doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái TNG Holdings Việt Nam cũng được biết đến là các đơn vị tích cực tham gia huy động vốn từ kênh trái phiếu, đồng thời sử dụng đòn bẩy tài chính cao khi nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Đơn cử, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL (thương hiệu kinh doanh mặt bằng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ của TNG Holdings Việt Nam) đang gánh khoản nợ phải trả hơn 5.300 tỉ đồng, gấp 5,8 lần so với vốn chủ sở hữu (913,4 tỉ đồng). Chiếm chủ yếu tổng nợ phải trả là dư nợ trái phiếu với hơn 3.800 tỉ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-tnl-nam-2022-1685758608.jpg
Kết quả kinh doanh TNL năm 2022. Ảnh: Chụp màn hình.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận sau thuế Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL chưa đến 1 tỉ đồng, đồng nghĩa với tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,10%.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH (TNH Hotels & Resorts) do TNG Holdings Việt Nam thành lập năm 2015 ghi nhận dư nợ trái phiếu đến cuối năm 2022 hơn 3.600 tỉ đồng, chiếm hơn 54% tổng nợ phải trả của TNH Hotels & Resorts (khoảng 6.683 tỉ đồng).

Vốn chủ sở hữu TNH Hotels & Resorts tính đến thời điểm cuối năm 2022 đạt 711 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ tại doanh nghiệp này lên đến 9,4. Trong khi nợ phải trả cao ngất ngưởng, thì doanh nghiệp lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 600 triệu đồng trong năm qua. Như vậy, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu ở mưc 0,09%.

ket-qua-kinh-doanh-tnh-hotels-resorts-nam-2022-1685758727.jpg
Kết quả kinh doanh TNH Hotels & Resorts năm 2022. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, Công ty Cổ phần năng lượng TNPower (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của TNG Holdings Việt Nam) là đơn vị có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu thấp nhất trong nhóm công ty phía trên, thế nhưng chiếm phần đa là nợ trái phiếu.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Công ty Cổ phần năng lượng TNPower khoảng 2.500 tỉ đồng, thế nhưng có đến 2.300 tỉ đồng là nợ trái phiếu. Vốn chủ sở hữu của TNPower đạt 1.152 tỉ đồng, đồng nghĩa với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,24.

Như vậy, kết thúc năm 2022, riêng 4 thành viên nói trên trực thuộc TNG Holdings Việt Nam đang gánh khối nợ khoảng 34.500 tỉ đồng (xấp xỉ 1,47 tỉ USD), trong đó bao gồm hơn 18.700 tỉ đồng nợ trái phiếu