Hàng xóm cạch mặt nhau vì lì xì 20.000 đồng

Chị Th. nhớ mãi câu nói "thời nay còn mừng tuổi 20.000 đồng" của người hàng xóm cùng tầng. Sau dịp Tết ấy, chị cũng ít qua lại nhà người này hơn.

Lì xì là phong tục không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Người lớn thường trao cho trẻ nhỏ một chút tiền để cầu may kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Tuy nhiên, theo thời gian, tục lì xì có nhiều thay đổi.

Mỗi phong bao đỏ trao tay không chỉ hàm ý cầu may mắn mà còn mang nặng tính vật chất, so bì. Không ít trường hợp chỉ vì chuyện lì xì nhiều hay ít mà làm mất lòng nhau, sứt mẻ tình cảm.

Chị Lê Thị H. (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ, tiền mừng tuổi luôn là khoản tiền chiếm tới 30% các khoản cần chi trong dịp Tết của gia đình chị.

Chị H. thống kê chi tiết: "Thông thường mỗi năm, tôi sẽ tiêu Tết khoảng 25 triệu đồng. Tôi dành biếu bố mẹ chồng 5 triệu đồng, còn mẹ tôi thì không năm nào nhận tiền biếu của con gái. Khoảng 10 triệu đồng tôi mua quần áo mới cho các con, mua đồ ăn thức uống, quà biếu hai bên nội ngoại. 2 triệu đồng dành thuê xe đi lại, còn khoảng 7 - 8 triệu đồng là mừng tuổi".

Chị H. thường lì xì các em, các cháu trong nhà, trẻ nhỏ gặp trong dịp Tết và tùy mức độ thân quen mà có mệnh giá khác nhau.

"Tôi thường mừng con của anh chị em ruột 200.000 đồng. Vợ chồng tôi có tới 14 đứa cháu. Con của anh chị em họ trong nhà thì tôi mừng 50.000-100.000 đồng. Mừng tuổi cô, dì, chú, bác 200.000-300.000 đồng. Con số này thường trong tầm kiểm soát", chị H. nói.

Tuy nhiên, số tiền mừng tuổi dành cho trẻ nhỏ là con cháu của họ hàng xa đến nhà chơi hoặc gặp khi đi chúc Tết thì luôn khiến chị H. mất kiểm soát và gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.

Hàng xóm cạch mặt nhau vì lì xì... 20.000 đồng - Ảnh 1.

Không ít người gặp phải tình huống khó xử khi mừng tuổi 20.000 đồng. (Ảnh minh họa: H. A).

Chị H. kể, có lần đi chúc Tết nhà bác họ, chị gặp một đoàn khách, trong đoàn có nhiều cháu nhỏ. Thấy có trẻ nhỏ, nhiều người rút tiền lì xì, chị cũng lấy xấp phong bao đã chuẩn bị sẵn trao cho các cháu. Không ngờ một cháu nhỏ bóc phong bao luôn trước mặt đám đông lấy ra tờ 20.000 đồng và quay sang bảo mẹ "tờ tiền này ít".

"Mọi người trong đoàn ai cũng cười ồ lên bảo "thằng bé khôn thế". Đành rằng mình không chấp trẻ con nhưng rơi vào tình huống ấy, tôi thấy vô cùng khó xử.

Chính vì vậy, về quê ăn Tết, nhiều khi tôi rất ngại đến nhà người khác chơi, nhất là những gia đình đông con, nhiều cháu. Con cháu mình thì chẳng đi đâu mà thiệt, nhưng nhiều khi con cháu người ngoài cũng ở đó, các cháu cứ háo hức nhận lì xì, chả lẽ mình lại bỏ qua.

Hai vợ chồng tôi làm thuê ở Hà Nội, tiền lương có hạn, Tết đã có quá nhiều khoản phải chi. Về quê đến nhà nào cũng có ba bốn trẻ nhỏ, mỗi cháu vài chục nghìn là bay ngay tiền triệu", chị H. thành thật chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Th. (34 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng từng gặp phải tình huống không mấy vui vẻ chỉ vì mừng tuổi 20.000 đồng.

Chị Th. cho biết, năm 2021, vợ chồng chị mua được một căn chung cư ở quận Hà Đông. Số tiền mua nhà bao gồm tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, tiền vay mượn của anh em, bạn bè.

Vì còn phải trả nợ tiền nhà nên chị Th. luôn cố gắng thắt chặt chi tiêu, ngay cả trong những ngày Tết. Dẫu vậy, theo chị, khi Tết đến, tiền mừng tuổi là khoản không thể tiết kiệm và không thể không chi.

Chị Th. nhớ lại: "Tết năm 2022, ngoài mừng tuổi các em, các cháu hai bên nội ngoại, tôi còn mừng thêm con của hàng xóm ở chung cư. Cả sàn chung cư nhà tôi có 14 hộ, đều là gia đình trẻ. Mỗi nhà có 1-3 đứa con, tổng cộng 25 đứa trẻ. Sau khi bàn bạc với chồng, tôi quyết định mừng mỗi cháu 20.000 đồng, bởi nếu mừng 50.000 đồng thì tổng số tiền là hơn 1 triệu đồng.

Đây cũng là một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh mỗi tháng chúng tôi phải trả gần 10 triệu đồng tiền vay ngân hàng trong khi thu nhập của cả hai chỉ có 25 triệu đồng. Hơn nữa, tôi nghĩ mừng tuổi quan trọng là lấy may, thể hiện tình cảm chứ không quá nặng nề chuyện nhiều ít".

Song, có lẽ một số hàng xóm của chị Th. lại không nghĩ như vậy. Ít ngày sau Tết, đi dọc hành lang, chị tình cờ nghe được câu chuyện giữa hai phụ nữ cùng tầng. Trong câu chuyện chị dễ dàng nhận ra họ đang nói về việc chị Th. mừng tuổi quá ít, kèm theo lời bình luận "thời nay còn mừng tuổi 20.000 đồng".

"Có lẽ hàng xóm nghĩ nhà tôi chỉ có một đứa con nên vợ chồng tôi tính toán chỉ mừng 20.000 đồng. Sau lần ấy, tôi không muốn sang chơi hay quan hệ thân thiết với những nhà hàng xóm đó nữa.

Tôi nghĩ, nếu chỉ nhìn nhận nhau qua chút tiền lì xì năm mới thì quá thực dụng. Trong khi họ không nghĩ rằng, trong năm, mỗi lần về quê tôi đều mang cho họ chút hoa quả hay rau từ quê nhà. Đôi khi họ có việc đột xuất, tôi cũng sẵn lòng trông con giúp họ…", chị Th. cho hay.

Theo thời gian, tục lì xì đang bị mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc theo kiểu tiền phải nhiều thì "tình cảm mới thắm thiết". Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải trả lại cho tục lì xì những nét đẹp vốn có.

Đặc biệt, khi Tết đến, để tránh gặp phải những tình huống khó xử, các bậc cha mẹ cần dạy con cách nhận lì xì có văn hóa: Không xé bao lì xì trước mặt khách, biết thưa gửi, cảm ơn khi nhận tiền lì xì, không bình luận về mệnh giá của tờ tiền và giải thích rõ cho con hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đầu năm.

Theo Hồng Anh (dantri.com.vn)