Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng lên sàn: Tiền mặt khan, chứng khoán trầm, cổ đông phải nhận thêm hàng

Các ngân hàng đã phát hành hàng tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, cổ phiếu mất giá khi chứng khoán ảm đạm, nhiều cổ đông mong nhận 'tiền tươi thóc thật' nhưng chỉ được cổ phiếu khó thanh khoản.
hang-ty-co-phieu-ngan-hang-len-san-tien-mat-khan-chung-khoan-tram-co-dong-phai-nhan-them-hang-1688525312.png

Dồn hàng tỷ cổ phiếu mới vào thị trường

Trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã phát hành lượng lớn cổ phiếu để trả cổ tức, thưởng cho cổ đông. Nhiều nhà băng đã thông báo ngày chốt quyền chi trả cổ tức, cổ phiếu thưởng.

Đơn cử, VIB vừa chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/6 để phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới.

Nam A Bank cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 7/7 để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng này sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới.

SHB mới thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/7 để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Theo đó, nhà băng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%.

Hội đồng quản trị HDBank đã chấp thuận ngày 20/7 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. HDBank dự kiến phát hành hơn 377 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 15%.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã hoàn tất việc chia cổ phiếu để trả cổ tức, thưởng cho cổ đông.

Trong tháng 6, TPBank phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông, với tỷ lệ 39,19%. SeABank cũng phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và phát hành hơn 118,2 triệu cổ phiếu thưởng. Tương tự, ACB cũng hoàn tất phát hành 506,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15%.

Trước đó, vào cuối tháng 5, ABBank phát hành 94 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông.

Tháng 2 vừa qua, Eximbank đã phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên trả cổ tức cho cổ đông của Eximbank kể từ năm 2014.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trả cổ tức, thưởng.

NHNN mới đây đã có văn bản chấp thuận việc Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18,1% (từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019 và năm 2020) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

OCB vừa được NHNN cho phép phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

NHNN cũng đã chấp thuận cho LPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385,3 tỷ đồng đã thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động để tăng vốn điều lệ. Trong đó, LPBank sẽ phát hành tối đa 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%.

Như vậy, trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 1,7 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Trong khi đó, số cổ phiếu chuẩn bị phát hành cũng lên tới hơn 3 tỷ đơn vị.

Cổ đông mong “tiền tươi thóc thật”, ngân hàng thích phát hành cổ phiếu


Năm nay, dù được cơ quan điều hành “bật đèn xanh” để chia cổ tức bằng tiền mặt song từ đầu năm đến nay, mới chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt. Phần lớn ngân hàng vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận. Việc này đã được các nhà băng lặp lại trong nhiều năm.

Với các cổ đông, cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được coi là thu nhập của nhà đầu tư. Nhưng nếu như 2 năm trước, nhiều nhà đầu tư vui mừng khi được chi trả bằng cổ phiếu do thị giá cao thì năm nay giá cổ phiếu sụt giảm đã khiến đa số cổ đông mong có “tiền tươi thóc thật”.

Song nhiều ngân hàng vẫn nói không với cổ tức tiền mặt suốt nhiều năm dù con số lợi nhuận lên tới cả chục nghìn tỷ, thậm chí hàng tỷ USD. Cổ đông nhiều ngân hàng tỏ ra thất vọng vì ôm cổ phiếu 'vua' nhiều năm không có một đồng cổ tức tiền mặt. Tình cảnh cổ đông nhà băng cả thập kỷ không biết đến cổ tức tiền mặt không phải là hiếm.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư ngắn hạn không hào hứng với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Còn với nhiều nhà đầu tư dài hạn, toan tính sẽ là “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, kỳ vọng cho những mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp.

Trong năm qua, giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Không ít người chấp nhận nắm giữ cổ phiếu và trông chờ vào cổ tức. Nhưng nhiều ngân hàng tiếp tục gây thất vọng khi vẫn quyết không chia cổ tức cho dù có kết quả kinh doanh tốt. Việc cổ đông được nhận cổ tức không chỉ thể hiện hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mà còn là chất xúc tác tích cực hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.

Nói về lý do chọn không chia cổ tức tiền mặt, giữ lại lợi nhuận và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, lãnh đạo các nhà băng giải thích việc này là để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, số hóa, mở rộng quy mô cho vay và giữ chân nhân tài,..

Mỗi ngân hàng sẽ có kế hoạch tăng vốn điều lệ riêng nhưng nhìn chung phương án tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán cổ phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)… là khá phổ biến. Trong đó, phần lớn ngân hàng lựa chọn kế hoạch tăng vốn qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu.

Việc phát hành thêm cổ phiếu gặp khó khăn do thị trường chứng khoán trầm lắng, giao dịch ảm đạm. Trong 2023, phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến trên thị trường chứng khoán, mà thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ không hề thuận lợi cho hoạt động phát hành thêm cổ phiếu.

Theo TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, hình thức tăng vốn chủ yếu hiện nay vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu hay giữ lại lợi nhuận. Về dài hạn, muốn tăng vốn như kỳ vọng, các ngân hàng cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng thương hiệu ngày càng uy tín trên thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.