Hàng loạt dự án bất động sản thương hiệu TNR được mang thế chấp ngân hàng

Hàng chục dự án bất động sản mang thương hiệu TNR được TNR Holding, Hano-vid, Địa ốc Việt Hân, CTCP May - Diêm Sài Gòn… thế chấp ngân hàng để huy động nguồn vốn lớn cho quỹ đất với hàng chục dự án lớn nhỏ đã thâu tóm tại nhiều tỉnh thành.

Năm 2019, TNR Holdings thế chấp dự án TNR Star Thoại Sơn, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - chi nhánh TP HCM (MSB).

Doanh nghiệp thế chấp toàn bộ lợi ích thu được trong quá trình đầu tư dự án và tất cả quyền đòi nợ của công ty hình thành từ việc chuyển nhượng hơn 16.443m2 đất ở tại hai dự án nói trên, bao gồm 139 hợp đồng.

Cũng trong năm 2019, TNR Holdings thế chấp dự án TNR Amaluna Trà Vinh, có địa chỉ tại Phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh tại MSB.

Tài sản thế chấp là toàn bộ lợi ích bao gồm: Các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư dự án TNR Amaluna Trà Vinh; Tất cả quyền đòi nợ (khoản phải thu) của bên thế chấp hình thành từ việc chuyển nhượng 37.017m2 đất ở tại dự án này.

tnr-the-chap-ngan-hang-1640486249.png

Thông tin thế chấp dự án TNR Amaluna Trà Vinh.

Theo thông tin từ Cục đăng ký quốc gia về giao dịch tài sản đảm bảo (Bộ Tư pháp), tháng 2/2021, TNR Holdings Việt Nam đã thế chấp khoản phải thu hình thành từ việc chuyển nhượng tối thiểu 3,5ha đất ở tại 2 dự án Khu đô thị mới thị trấn Chợ Mới 1 và Khu đô thị mới thị trấn Chợ Mới 2 (tỉnh An Giang) theo hợp đồng bảo đảm số 452/2021/BĐ ký ngày 8/2/2021 và các phụ lục kèm theo tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng thế chấp toàn bộ lợi ích bao gồm tất cả các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư Khu đô thị mới thị trấn Chợ Mới 1 và thu đô thị mới Thị trấn Chợ Mới 2, không giới hạn các quyền khai thác, quyền chuyển nhượng dự án, quyền quản lý, quyền sử dụng các khoản phải thu, quyền hưởng lợi, các khoản phải thu hiện tại và trong tương lai phát sinh thuộc 2 dự án này theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 451/2021/BĐ ký 8/2/2021 và các phụ lục kèm theo tại Ngân hàng MSB chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, TNR Holdings còn thế chấp 10 triệu Cổ phần Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam thuộc sở hữu của TNR Holdings tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Chi nhánh Hoàn Kiếm.

the-chap-ngan-hang-1640486299.png

Thông tin thế chấp dự án TNR Stars Chợ Mới.

Bênh cạnh TNR Holding, một công ty cũng thuộc Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam là Công ty Cổ phần Bất động sản Hano - Vid cũng đem thế chấp lợi ích thu được từ việc chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất ở hoặc thế chấp toàn bộ lợi ích bao gồm tất cả các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, thế chấp quyền khai thác một phần tài sản, thế chấp quyền đòi nợ tại hàng loạt các dự án như: Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu bến xe - dân cư Kiến Tường (dự án TNR Stars Kiến Tường); Dự án Khu dân cư tại thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Dự án Goldsilk Comple; Dự án khu dân cư TNR Grand Palace Sơn La; Dự án Khu dân cư đô thị phía Bắc thị trấn Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh.

Trong năm 2020, Hano - Vid đã thế chấp các khoản phải thu thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp phát sinh từ các Hợp đồng mua bán nhà ở của Dự án TNR Stars Center Cao Bằng. Hano - Vid còn thế chấp khoản phải thu thuộc quyền sở hữu doanh nghiệp tại dự án TNR Star Lục Yên (Yên Bái); Toàn bộ lợi ích phát sinh trong quá trình đầu tư các dự án: TNR Grand Palage Phú yên, TNR Grand Palace Thái Bình, TNR Stars Lam Sơn Thọ Xuân (Thanh Hóa), TNR Stars Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và dự án TNR Stars Đông Mai Quảng Yên (Quảng Ninh)...

thong-tin-1640486350.png

Thông tin thế chấp dự án TNR Stars Đắk Đoa Gia Lai

Một doanh nghiệp mang “họ” TNG nữa là Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân cũng thực hiện huy động vốn bằng cách thế chấp toàn bộ lợi ích bao gồm tất cả các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư dự án TNR Stars Gành Hào tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thế chấp khoản phải thu hình thành từ việc chuyển nhượng tối thiểu 3,7ha đất ở tại dự án này.

Trong tháng 9/2021, Việt Hân thế chấp quyền khai thác, quản lý dự án phát triển đô thị số 9A, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng của doanh nghiệp tại Ngân hàng MSB. Cũng thời gian này, Việt Hân đã thế chấp gần 15 triệu cổ phiếu ngân hàng PG Bank (PGB) thuộc sở hữu của doanh nghiệp, được lưu ký trong tài khoản giao dịch chứng khoán số tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.

Ngoài ra, Việt Hân cũng thế chấp lợi tức, các khoản phải thu, các khoản phí thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất toàn bộ tầng hầm, toàn bộ sàn trung tâm thương mại và toàn bộ thương phẩm sàn văn phòng thuộc khu C, dự án TNR Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).

thanh-hoa-1640486403.jpg

Phối cảnh dự án TNR Stars Bỉm Sơn - Thanh Hóa

Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn, một đơn vị phát triển nhiều dự án mang thương hiệu TNR cũng thế chấp các giá trị mang lại của hàng loạt dự án như: Dự án TNR Star Bỉm Sơn Thanh Hóa (Khu dân cư Nam Cổ Đam); Dự án TNR Stars Đức Thọ (Hà Tĩnh), TNR Stars Đắk Đoa (Gia Lai); TNR Star Cao Phong (Hòa Bình); dự án TNR Star An Châu (An Giang)…

 

 

 

 

 

Người mua nhà cần “tỉnh táo”

Nói về vấn đề chuyển nhượng nhà ở tại dự án đang thế chấp ngân hàng, Văn phòng luật sư Quang Thái (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Nhà ở 2014: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Trong trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

Do vậy, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận; Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng quy định về dự án đang bị thế chấp vẫn được coi là đủ điều kiện nếu "bên thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp thống nhất việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó.

Để đảm bảo quyền lợi cho mình, Văn phòng luật sư Quang Thái khuyến nghị người mua nhà cần xem xét kỹ điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhất là những quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp sổ đỏ; chế tài về phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng…

Theo Văn phòng luật sư Quang Thái, trước khi ký hợp đồng mua bán dự án đã thế chấp tại ngân hàng, người mua phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản đã giải chấp căn hộ mình dự định mua; Kiểm tra chứng thư bảo lãnh; Giấy xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn đối với việc bán nhà hình thành trong tương lai. Trong trường hợp chưa giải chấp thì phải có văn bản của ngân hàng đồng ý cho chủ đầu tư huy động vốn. Khi đó, người mua mới tránh được rủi ro.