Hà Tĩnh: Nhiều tiếng nói tiếc thương một ngôi trường sắp bị quên lãng

Thông tin trên khiến Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh nhà trường cùng toàn thể con em, người dân huyện miền núi Vũ Quang vô cùng ngậm ngùi, tiếc nuối. Họ cầu mong có phép màu nào đó xảy ra để con em các xã vùng hạ Vũ Quang được tiếp tục theo học tại ngôi trường thân thuộc.

Ngày 05/06, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành Quyết Định Số 336/QĐ-SGDĐT về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngôi trường mang tên Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới Cù Huy Cận đã không được phê duyệt bất cứ chỉ tiêu nào.
Thông tin trên khiến Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh nhà trường cùng toàn thể con em, người dân huyện miền núi Vũ Quang vô cùng ngậm ngùi, tiếc nuối. Họ cầu mong có phép màu nào đó xảy ra để con em các xã vùng hạ Vũ Quang được tiếp tục theo học tại ngôi trường thân thuộc.

Tài khoản Facebook Nguyễn Thế Phiệt cho biết:

“Trường THPT Cù Huy Cận dù chỉ mới thành lập được 10 năm nhưng đã đạt được nhiều thành tích vang dội. Tiêu biểu có 320 học sinh giỏi Tỉnh trong đó có 10 giải nhất, gần 60 giải nhì... Có 4 học sinh đạt giải cấp Quốc gia.

Về xếp hạng ở tỉnh năm học 2010-2011 Đội tuyển khối 10 lần đầu tham gia dự thi xếp thứ 4 toàn Tỉnh, Năm học 2011-2012 xếp thứ 2 toàn Tỉnh, năm 2012-2013 Xếp thứ 4 toàn tỉnh ( Năm này có 4 học sinh đạt giải nhất tỉnh); những năm sau dù không còn xếp hạng nhưng nhà trường luôn có kết quả tốt

- Về thi Đại học: Ngay từ lần đầu có HS dự thi ĐH vào năm 2013 nhà trường đã có kết quả vang dội điểm Bình quân TS ĐH là 14,7 điểm xét tuyển bình quân trên 15 điểm xếp thứ 2 toàn tỉnh; đã có những học sinh có điểm thi đạt 27,0 điểm ( Lê Doãn Huân); em Lê Hoàng Dung điểm xét tuyển ĐH 27 đủ điểm đậu vào 2 trường ĐH Y ( Y Hà Nội và Y Huế), nhiều em trên 25 điểm,

Năm 2014 điểm bình quân thi ĐH là 15,96 điểm xếp thứ 2 toàn tỉnh ( Sau trường Chuyên) và thứ 247 toàn quốc. Hàng năm thi Tốt nghiệp tỉ lệ TN của trường luôn nằm trên mặt bằng chung của tỉnh: Kết quả TS ĐH luôn xuất sắc các lớp chọn của trường luôn đạt trên 80% HS đậu ĐH, lớp A1 của trường hằng năm đều đâu ĐH gần 100% trong đó 2 năm 2018;2019 là 100%”.

Cũng trên Facebook thầy giáo Trần Nhật Lời, giáo viên nhà trường trăn trở:
"Vậy là năm này, có thể, trường chúng tôi sẽ không được phép tuyển sinh các em cấp 2 vào học trong trường chúng tôi nữa. Hơn 210 hồ sơ đã có nguyện vọng vào học trường tôi giờ đây lại phải chạy đôn chạy đáo để thay đổi nguyện vọng. Thật vất vả biết nhường nào.
Chúng tôi, những người giáo viên, học sinh đã gắn bó từ khi trường mới thành lập cho đến nay, vượt qua bao nhiêu nỗi khổ về đường đi, sự khắc nghiệt địa hình và khí hậu, sự thiếu thốn đủ bề để có thể xây đắp cơ ngơi như ngày hôm nay đã phải đau đớn đón nhận thông tin đáng buồn này. Có ai từng gắn bó nơi đây may ra mới hiểu được cảm xúc chúng tôi đang phải trải qua và chịu đựng.
Mặc dù đã được nhân dân, cán bộ của huyện và xã nhà tích cực vận động giữ lại trường, nhưng có lẽ việc giữ lại ngôi trường là quá khó khăn trong thời điểm hiện nay. Dừng tuyển sinh, có nghĩa là trường tôi có nguy cơ giải thể, đội ngũ giáo viên rồi sẽ được điều chuyển đến những cơ quan mới; những thế hệ học sinh hiện tại sẽ vẫn học tập tiếp cho đến khi các em hết niên khoá và ra trường. Nhưng chúng ta, những người đã cùng chung một mái nhà - trường THPT Cù Huy Cận có thể sẽ mất đi nơi lưu giữ kỉ niệm, nơi để chúng ta trở về khi chúng ta thành công. Đó là điều đáng tiếc nhất.
Có thể nói rằng, từ khi thành lập cho đến nay, trường THPT Cù Huy Cận đã là địa chỉ tin cậy của biết bao nhiêu phụ huynh, học sinh và nhân dân, bởi nơi đây chính là môi trường để rất nhiều thế hệ học sinh phát huy được năng lực và sở trường của mình. Là ngôi trường vừa tròn 10 năm tuổi nhưng đã có biết bao nhiêu là thành tích nổi bật, là kho số liệu để huyện nhà báo cáo thành tích. Khó có ngôi trường miền núi nào mà có nhiều lớp đậu đại học 100%, khó có ngôi trường miền núi nào lại là nơi ươm mầm của những học sinh giỏi quốc gia, làm điểm khởi phát của biết bao nhiêu sinh viên trường đại học, học viện tốp đầu của cả nước. Có được mấy trường đi đầu trong việc chăm sóc, hỗ trợ đời sống học sinh, đời sống nhân dân, xây dựng địa phương giàu đẹp. Giữa đại dịch covid-19 đầy khó khăn, trường vẫn hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, có được điều đó chính là sự hỗ trợ phương tiện học tập cho học sinh học trực tuyến giữa thời kì đại dịch. Trường còn non trẻ nhưng đã làm được biết bao nhiêu việc đáng tự hào. Kể làm sao cho hết...
Giờ đây, đọc tờ quyết định, đọc những tấm công văn mà lòng chúng tôi không khỏi nghẹn ngào. Buồn. Chắc chắn đó là tâm trạng chung của những giáo viên, học sinh như tôi, của các thế hệ học sinh đã và đang và có dự định vào học trường tôi lúc này. Có những nỗi hụt hẫng làm nhói lòng con người ta. Chúng tôi buồn một, hụt hẫng một thì học sinh, phụ huynh buồn, hụt hẫng 100, 1000 hay hơn thế nữa. Nhìn cơ ngơi hiện tại của ngôi trường không ai không khỏi chua xót. Với sự phát triển của trường tôi, các trường lân cận đã phải khâm phục, kính nể, cũng có trường đã phải ghen tị. Thôi thì giờ đây tất cả sắp được lưu giữ vào vài trang sử ngắn gọn của nền giáo dục huyện nhà.
Học sinh chiều nay nhắn tin chia sẻ, hỏi thăm về việc năm nay trường ta còn tuyển sinh không? Ai cũng sợ trường THPT Cù Huy Cận sẽ bị giải thể. Sự thật, đó là nguy cơ hiện hữu và giờ chúng chỉ biết trông chờ vào sự sáng suốt của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc giữ hay giải thể trường. Mỗi cánh tay, mỗi lá phiếu của cử tri sẽ quyết định số phận. Tiếng nói của nhân dân và cán bộ huyện nhà là điều kiện tiên quyết trong hoàn cảnh này. Vì vậy, tôi và các bạn học sinh, các bậc phụ huynh hay góp ý kiến mình trong các buổi tiếp xúc cử tri để gửi ý kiến của mình đến hội đồng tỉnh nhé! Nếu trường THPT Cù Huy Cận giải thể sẽ là một thiệt thòi không hề nhỏ đối với con em và nhân dân vùng hạ huyện Vũ Quang. Mong muốn của chúng tôi là trường sẽ được tuyển sinh tiếp...!”.

Tôi cũng như thầy Lời mong rằng tiếng nói này có thể phần nào đó được ngành giáo dục tỉnh, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lưu tâm tới.