Góp ý thuế tối thiểu toàn cầu: Một góc nhìn từ doanh nghiệp FDI

Thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (Trụ cột 2) là vấn đề mới và khó đối với tất cả các nước khi triển khai. Hiện Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các giải pháp liên quan đến Trụ cột 2. Từ lăng kính của một doanh nghiệp FDI, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đã đưa ra một góc nhìn về cách ứng phó vấn đề này.
tong-giam-doc-samsung-viet-nam-choi-joo-ho-gop-y-ve-chinh-sach-thue-toi-thieu-toan-cau-1680179270.jpg
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho góp ý về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

Trong bối cảnh EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang nhanh chóng nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu với mục đích thu thuế bổ sung ngay từ đầu năm 2024, chiều 28/3/2023, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu…để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện Samsung đưa ra 2 đề xuất nhằm duy trì năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi.

Đó là, cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tùy theo từng loại hình doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu thuế bổ sung và có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền.

Nói rõ hơn về hai đề xuất của Samsung, ông Choi Joo Ho cho biết, do ảnh hưởng của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ Việt Nam sẽ khiến cho số thuế phải đóng bổ sung bị chuyển về quốc gia, nơi đặt trụ sở công ty mẹ tối cao của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Nói cách khác, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có được khi đầu tư tại Việt Nam sẽ bị cơ quan thuế của một quốc gia khác không phải Việt Nam lấy đi quyền đánh thuế.

Điều này đặt ra vấn đề là phải có chính sách ưu đãi đầu tư mới. Nói cách khác, cần áp dụng cơ chế hỗ trợ tiền mặt thay thế cho cơ chế về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị vô hiệu hóa bởi quy tắc của Trụ cột 2, qua đó duy trì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh thông qua tái đầu tư bằng khoản hỗ trợ.

Ngoài ra, do khoản hỗ trợ này được thực hiện thông qua các quy trình thủ tục đăng ký và chi trả sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nên Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn tài chính và chi trả.

"Các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang giảm thiểu tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu thông qua hình thức ưu đãi trợ cấp tiền mặt. Vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị Việt Nam cũng có những phương án chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp tương tự như các quốc gia khác", ông Choi Joo Ho góp ý.

Áp dụng QDMTT để giành quyền đánh thuế của Việt Nam

Theo lãnh đạo Samsung, để có thể hỗ trợ trực tiếp bằng khoản hỗ trợ tiền mặt, vấn đề quan trọng hàng đầu cần cân nhắc là tạo nguồn tài chính.

Vậy giải pháp nào? Ông Choi Joo Ho cho rằng, nên áp dụng QDMTT theo khuyến nghị của OECD.

OECD đã công bố báo cáo, trong đó khuyến nghị các quốc gia nhận đầu tư nên áp dụng cơ chế QDMTT để giữ quyền đánh thuế đối với phần thuế bổ sung.

Ngoài ra, OECD cũng cung cấp các công thức tính toán như thuế suất hiệu quả, thuế bổ sung… để các quốc gia nhận đầu tư có thể dễ dàng áp dụng, vừa tránh vấn đề đánh thuế hai lần, đặc biệt khi Việt Nam vận hành quản lý theo hệ thống thuế quốc tế, sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của hệ thống thuế Việt Nam.

cuoc-hop-1680179321.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Không chỉ vậy, hiện tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia… cũng đang chuẩn bị để áp dụng QDMTT, "vì vậy chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên cần áp dụng", ông Choi Joo Ho khuyến nghị.

Ngược lại, nếu áp dụng phương án nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15% thì sẽ gây ra sự phức tạp trong tính toán thuế bổ sung và khả năng cao là doanh nghiệp bị đánh thuế hai lần đối với phần thuế bổ sung do khác biệt giữa các quốc gia.

Không chỉ vậy, khái niệm trao quyền lựa chọn cho doanh nghiệp có thể vi phạm điều kiện "tính bắt buộc của nghĩa vụ nộp thuế" tại quy định OECD, nên sẽ có rủi ro bị đánh thuế bổ sung tại nước khác. Do đó, phát sinh rủi ro đánh thuế hai lần đối với các doanh nghiệp, đồng thời phát sinh rủi ro giảm năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI.

"Chúng tôi muốn kiến nghị Việt Nam áp dụng QDMTT dựa trên quy định của OECD, qua đó giúp Việt Nam duy trì quyền đánh thuế của mình, đồng thời đảm bảo được nguồn thu thuế bổ sung và tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp FDI", ông Choi Joo Ho nói.

Tại cuộc họp, ghi nhận ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp, trong đó có Samsung, lãnh đạo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, Tổng cục Thuế rất mong được tham khảo tình hình áp dụng Trụ cột 2 ở các quốc gia, từ đó có những biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ngay sau cuộc họp này, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp toàn bộ các ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo Bộ Tài chính trong thời gian sớm nhất về những ý kiến và kiến nghị của các doanh nghiệp.

Với tinh thần cầu thị, Tổng cục Thuế sẽ thường xuyên duy trì cơ chế đối thoại, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc triển khai các chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.