Ngày 19/6, chiếc tàu ngầm Titan của OceanGate mất tích khi đang chở 5 hành khách tham quan xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương và sau đó được xác định đã thiệt mạng do vụ 'nổ thảm khố' phá nát con tàu. Trong số 5 nạn nhân xấu số có 2 tỷ phú: Hamish Harding người Anh đang giữ ba kỷ lục Guinness thế giới về các chuyến thám hiểm trước đó, và doanh nhân người Pakistan gốc Anh, Shahzada Dawood, 48 tuổi, đang đi cùng cậu con trai 19 tuổi Suleman.

Harmish Harding là một nhà thám hiểm chuyên nghiệp. Ông đã từng tới khám phá điểm sâu nhất trong các đại dương trên thế giới - Rãnh Mariana, có độ sâu gần 11.000m dưới Thái Bình Dương. Ông cũng từng là một trong 6 người tham gia vào chuyến bay của tên lửa Blue Origin, cùng Jeff Bezos, tiến vào vũ trụ với độ cao 107km trong bầu khí quyển.

Có rất nhiều thú vui du lịch mạo hiểm được các vị khách thượng lưu ưa chuộng. Tuy nhiên, đây là những hành trình không chỉ tốn tiền tỷ mà nhiều khi còn phải đánh cược cả tính mạng của mình

Xuống đáy biển, lên vũ trụ

Bên cạnh tour khám phá xác tàu Titanic còn một tour khám phá đại dương khác là tới vực thẳm Challenger Deep, thuộc rãnh Mariana – điểm sâu nhất ở đáy đại dương.

Vào năm 2022, Công ty du lịch EYOS Expeditions bắt đầu cung cấp các chuyến đi đến Challenger Deep với giá 750.000 USD/người. EYOS Expeditions sử dụng tàu lặn Limiting Factor hàng đầu của Caladan Oceanic trong chuyến thám hiểm này. Con tàu với lớp vỏ titan dày 90 mm sẽ đưa hành khách xuống vực thẳm Challenger Deep và thực hiện chuyến khám phá trong vòng 14 giờ đồng hồ. Trong đó, hành khách sẽ có 4 giờ nữa để khám phá, quay phim những loài động vật kỳ lạ nhất hành tinh ở dưới đáy Thái Bình Dương trước khi trở lại mặt nước.

Tính đến nay mới chỉ có 7 người từng lặn xuống vực thẳm Challenger Deep, ít hợn cả số người bay lên mặt trăng. Một trong số đó là đạo diễn Hollywood nổi tiếng James Cameron.

Hành khách sẽ được khám phá những bí ẩn dưới vực thẳm Challenger Deep

Không chỉ đại dương, vũ trụ bao la cũng là điểm đến mơ ước của giới siêu giàu. Vào năm 2021, tỷ phú Jeff Bezos đã đến thăm rìa không gian thông qua chuyến bay do chính công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của ông thực hiện. Tính đến năm 2022, tàu vũ trụ New Shepard của Blue Origin đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại thứ 4 vào vũ trụ.

Mỗi chuyến bay vào vũ trụ có thể tốn hàng chục triệu USD

Chi phí cho chuyến bay vũ trụ của Blue Origin có thể tốn hàng triệu USD mỗi người. Trong chuyến thám hiểm này, tàu vũ trụ được tên lửa đẩy lên từ bệ phóng ở phía Tây Texas, vượt ranh giới không gian được quốc tế công nhận khoảng 100 km. Hành trình bay kéo dài 11 phút và các hành khách được trải nghiệm tình trạng không trọng lực và nhìn nhắm không gian qua các ô cửa của tàu vũ trụ. Sau đó, tàu New Shepard sẽ đáp xuống một vùng sa mạc và kết thúc chuyến bay.

Vào năm ngoái, Harding – người có mặt trên tàu Titan đang mất tích cũng đã tham gia chuyến bay vũ trụ của Blue Origin.

Nếu như chán đại dương hay vũ trụ, giới nhà giàu còn có thể lựa chọn dịch vụ thám hiểm đỉnh Everest do công ty du lịch Furtenbach Adventures tại Áo cung cấp. Trước khi khám phá đỉnh Everest, khách hàng sẽ nhận được lều và máy mô phỏng điều kiện không khí ở độ cao lớn nhằm thích nghi trước với môi trường khắc nghiệt. Điều đặc biệt là Furtenbach Adventures sẽ cung cấp oxy không giới hạn cho những người leo núi. Công ty sẽ thuê hướng dẫn viên địa phương mang bình oxy lên đỉnh và sau đó mang trở lại chân núi. Trung bình số tiền mà khách hàng phải bỏ ra dao động từ 118.000 – 135.000 USD.

Đỉnh núi Everest là nơi nhiều người muốn chinh phục

Các chuyến đi đến Nam Cực cũng nằm trong danh sách yêu thích của giới nhà giàu. Nhiều người sẵn sàng bỏ chi phí lên tới 50.000 USD/người để đặt chân đến nơi này. Tuy nhiên, tour du lịch này đòi hỏi khách tham gia phải có sức khỏe tốt vì thời tiết khắc nghiệt. Chưa kể, hầu hết các chuyến đi đến Nam Cực đều khởi hành từ Ushuaia, Argentina qua eo biển Drake – những vùng nước nguy hiểm nhất thế giới.

Tour thám hiểm Nam Cực

Trên thực tế, phần lớn đều không đủ khả năng để chi trả cho một chuyến thám hiểm có giá lên tới 250.000 USD. Chính vì thế, việc tham gia chinh phục đỉnh Everest, bay vào vũ trụ hay khám phá những tàn tích của con tàu Titanic huyền thoại đã ngầm trở thành một biểu tượng địa vị mới trong xã hội.

Phiêu lưu mạo hiểm, ngành dịch vụ tỷ USD

Trong những năm gần đây, tour du lịch mạo hiểm dành cho giới nhà giàu đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ USD. Tờ The Telegraph cho hay, vào năm 2023, bất kỳ ai có đủ thời gian, tiền bạc và được đào tạo đều có thể coi mình là một nhà thám hiểm.

Vé cho tàu lặn Titan có giá ít nhất 250.000 USD. Chuyến đi được tổ chức bởi Oceangate Expenditures, một công ty du lịch khám phá được thành lập và điều hành bởi Stockton Rush, một triệu phú người Mỹ, cũng chính là người lái tàu Titan.

Một chuyến đi vào không gian thậm chí còn tốn kém hơn. Giá vé trên chuyến bay Blue Origin được báo cáo là khoảng 2,5 triệu USD/người. 

Nhưng với những người đam mê những thú vui mạo hiểm và có đủ tiền để chi trả cho những chuyến đi đắt đỏ này, giá cả rõ ràng không phải là vấn đề. Đương nhiên, sự an toàn hay bất kỳ tiêu chuẩn nào khác cũng không phải vấn đề, bởi những gì họ nhận được sau những chuyến thám hiểm thành công là những trải nghiệm không ai có.

Bằng chứng là, không chỉ Harmish Harding, Shahzada Dawood, hay thậm chí cả Jeff Bezos, mà còn rất nhiều người giàu sẵn sàng chi hàng trăm, hàng triệu USD cho một chuyến thám hiểm khắc nghiệt, bất chấp cả tính mạng.

Đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng của các công ty thám hiểm, những công ty tạo ra những chuyến thám hiểm đắt đỏ để đi tới những địa điểm độc đáo và nguy hiểm nhất trên thế giới.

Công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic của Sir Richard Branson đã từng bán hơn 800 vé với giá 450.000 USD/chiếc cho những người muốn bay ở độ cao 260.000 ft (80 km) so với mặt đất và trải nghiệm vài phút trong tình trạng không trọng lực.

Patrick Woodhead, một nhà thám hiểm vùng cực phá kỷ lục thế giới, đã thành lập White Desert ở Nam Cực để đưa những khách hàng giàu có thực hiện các chuyến đi thám hiểm tới cực nam với chi phí lên tới 98.500 USD/người.

Nhà leo núi Garrett Madison cũng là một trong những người đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ chinh phục đỉnh Everest - "nóc nhà" của thế giới với chi phí 93.500 USD.  Ông Garrett Madison nói: “Đó chắc chắn không phải là một sở thích rẻ tiền. Nhưng nó chắc chắn đáng giá từng xu”.

Tất nhiên, không phải chuyến thám hiểm đắt đỏ nào cũng đi kèm những dịch vụ đẳng cấp xứng tiền. Bằng chứng là, trong con tàu Titan chỉ dài 6m, 5 con người phải chen chúc trong một khoang tàu chật hẹp, chỉ có 1 nhà vệ sinh duy nhất, và thậm chí chiếc tàu lặn này chỉ được điều khiển bằng một chiếc điều khiển cầm tay không khác gì máy chơi game.

Quỳnh Anh - Mai Lý