Bộ Xây dựng vừa có công văn 5868/BXD-QLN trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang về giải pháp giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở? Vì hiện nay đối tượng khó khăn không tiếp cận về nhà ở vì giá nhà cao, lương thấp, không tiếp cận được vốn vay”, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam chất vấn.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Về việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, cho đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Về nguồn vốn giải ngân theo quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động thêm 3.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định).
Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Về giải ngân vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH 15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình: Đối với gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến hết tháng 10/2022 trên cả nước đã giải ngân được 3.017 tỷ đồng cho 8.379 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP: Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 03 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô: 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn... dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Những nội dung này cũng đã được Thủ tướng chỉ ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 1/8/2022.
Theo đó, tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, trên cơ sở báo cáo của các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Đề án).
Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo, nghiên cứu các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương và ý kiến các Bộ, ngành hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại Đề án Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp chính.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp: Để giải quyết, một số khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng hiện đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính… để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Về tổ chức thực hiện, tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021) làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.