Giải mã lý do đồng Ruble của Nga liên tục lao dốc

Đồng Ruble của Nga tiếp đà suy yếu trong phiên ngày 28/12, trượt qua mức 71 Ruble đổi 1 USD. Các lệnh trừng phạt của phương Tây lên dầu Nga và tác động của Ruble đối với doanh thu xuất khẩu đang gây sức ép lên đồng tiền này.
Đồng rouble của Nga tiếp tục suy yếu.​ (Nguồn: Reuters)
Đồng Rouble của Nga tiếp tục suy yếu.​ (Nguồn: Reuters)

Trong phiên giao dịch ngày 28/12, đồng Ruble đã giảm hơn 1,1% so với đồng USD, giao dịch ở mức 71,19 Ruble đổi 1 USD và hướng đến mức thấp nhất trong gần 8 tháng là 72,6325 Ruble đổi 1 USD ghi nhận được trong tuần trước.

Đồng nội tệ Nga giảm 0,5% so với đồng Euro, giao dịch ở mức 75,37 Ruble đổi 1 Euro và giảm 1,4% so với đồng Nhân dân tệ, giao dịch ở mức 10,12 Ruble đổi 1 Nhân dân tệ.

Tuần trước, đồng Ruble đã mất khoảng 8% giá trị so với đồng USD và đang trên đà giảm mạnh tính theo tháng sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ và mức giá trần có hiệu lực.

Bộ Tài chính Nga cho hay, sự mất giá của đồng Ruble gần đây liên quan đến việc phục hồi nhập khẩu.

Đồng Ruble có khả năng biến động mạnh trong bối cảnh hoạt động giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Năm mới của Nga.

Ông Olga Yangol, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi và chiến lược cho châu Mỹ tại Credit Agricole CIB nhận định, các biện pháp trừng phạt mới được áp đặt của phương Tây đã góp phần khiến giá năng lượng giảm, điều này chắc chắn đang gây áp lực lên đồng Ruble.

Theo ông Yangol, nội tệ Nga sẽ tương đối ổn định trong tương lai, với dự đoán căng thẳng địa chính trị sẽ thúc đẩy giá dầu, cùng với việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tiếp tục cắt giảm sản lượng để đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

Giá dầu Brent đã giảm 0,7% xuống 83,7 USD/thùng.