Tiết kiệm chi phí điện, tăng nguồn thu từ bán điện
Theo thống kê, chi phí sử dụng điện của doanh nghiệp chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động chung, đi cùng áp lực giá điện tăng mỗi năm thì bài toán giảm chi phí đầu vào này luôn thôi thúc doanh nghiệp phải sớm tìm giải pháp hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, một trong những kiến nghị nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ là việc EVN giảm giá điện nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng chủ động giảm sản lượng điện mua từ EVN bằng cách đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái để tự tạo và tiêu thụ điện từ chính hệ thống này.
Sản phẩm điện mặt trời áp mái đang được quan tâm và đầu tư. Nguồn: Internet
Thực tế, cơ chế khuyến khích đầu tư và sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp từ năm 2017 đến nay. Đến tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong đó, quy định thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhiều nhất là chủ trương được phép bán một phần hoặc toàn phần điện năng tạo ra từ hệ thống điện mặt trời cho bên mua là EVN. Theo các chuyên gia, quyết định này được xem là bước đột phá thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào điện mặt trời áp mái để vừa giảm chi phí tiền điện, vừa có thể thêm nguồn thu nhập từ việc bán điện.
Ưu điểm của điện mặt trời áp mái là giảm mạnh tiêu thụ điện lưới, đem lại hiệu quả cao về kinh tế cho doanh nghiệp, thi công nhanh, không chiếm dụng đất mà sử dụng diện tích các mái nhà sẵn có. Đặc biệt, đầu tư vào điện mặt trời áp mái sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn "xanh" trong xu hướng hiện nay.
Và như bao hoạt động đầu tư khác, một trong những khó khăn của các doanh trong đầu tư điện mặt trời áp mái là nguồn vốn.
Giải bài toán từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng
Nắm bắt được xu hướng và khát vọng đầu tư vì một nền "kinh tế phát triển xanh và bền vững", Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã đưa ra thị trường sản phẩm "Cho vay đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái" dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tiện ích vượt trội nhằm đem lại giá trị cao nhất, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng.
Đây là sản phẩm có nhiều tiện ích nổi bật, doanh nghiệp có thể dùng chính hệ thống điện mặt trời làm tài sản bảo đảm, tỷ lệ vay lên đến 70% tổng giá trị đầu tư hệ thống; thời hạn vay lên đến 7 năm; được giải ngân theo tiến độ thi công và được ân hạn vốn gốc và lãi đến lên đến 6 tháng kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên… Như vậy, nút thắt về vốn tín dụng và tài sản bảo đảm để vay vốn chính là dự án điện mặt trời đã được tháo gỡ, giúp các công ty mạnh dạn trong việc đề xuất tài trợ vốn đầu tư.
Đại diện OCB cho biết, các thủ tục về hồ sơ vay vốn cũng được tinh gọn, quy trình xét duyệt nhanh sẽ giúp doanh nghiệp sớm triển khai dự án và đưa vào hoạt động nhằm hưởng ưu đãi của Chính phủ với giá điện FIT 2 trong năm 2020.
OCB và DAT ký kết hợp tác toàn diện ngày 06/10/2020
Ngoài cung cấp cho doanh nghiệp các tiện ích về sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, OCB cũng thực hiện liên kết với đối tác có chuyên môn kỹ thuật cao trong lĩnh vực thi công điện mặt trời, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Một trong các đối tác chiến lược của OCB là Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt (DAT), đơn vị này cam kết sẽ cung cấp giải pháp tư vấn, thiết kế hệ thống, cung cấp & lắp đặt thiết bị có thương hiệu, chất lượng, bảo hành và hậu mãi trọn gói cho khách hàng của OCB, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, DAT cũng dành tặng cho khách hàng của OCB các ưu đãi như: giảm 50% phí khảo sát, thiết kế hệ thống và tặng 01 năm dịch vụ giám sát hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Theo Nhịp sống kinh tế