Dữ liệu mà thị trường mong đợi suốt mấy tuần gần đây đã được công bố vào thứ Sáu (4/2) và gây chấn động khi số việc làm mới và mức lương đều cao hơn mọi dự báo.

Dữ liệu cho thấy số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tháng 1/2022 đã tăng 467.000 việc, dữ liệu việc làm tăng trong tháng 12/2021 được điều chỉnh tăng mạnh lên 510.000, thay vì 199.000 báo cáo ban đầu. Những con số này vượt xa các dự đoán. Kết quả thăm dò của Reuters trước đó, cho thấy dự đoán trung bình là tăng 150.000, các ước tính dao động từ giảm 400.000 đến tăng 385.000 việc. Thu nhập trung bình hàng giờ, thước đo lạm phát tiền lương – thông tin được theo dõi chặt chẽ, cũng tăng 0,7% trong tháng 1/2022 so với tháng liền trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, Edward Moya, cho biết: "Nhiều người trên Phố Wall đã kỳ vọng vào một con số (việc làm mới) âm. Thay vào đó, chúng ta thấy tuyển dụng mạnh mẽ, lương cao hơn và nhiều người Mỹ trở lại tham gia vào lực lượng lao động. Có vẻ như áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong nền kinh tế Mỹ - một lực đẩy cho mặt hàng vàng.

Ngay sau khi những dữ liệu trên được công bố, giá vàng giảm, nhưng hoạt động mua mạnh sau đó đã đẩy giá hồi phục trở lại.

Vàng giao ngay kết thúc phiên thứ Sáu (4/2) tăng 0,1% lên 1.805,95 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng 0,8%; vàng kỳ hạn tháng 4 kết thúc tuần cũng tăng 0,2% lên 1.807,80 USD lúc kết thúc phiên, sau những giờ giao dịch nhiều biến động.

Trong một ghi chú mới đây, ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA cho hay về mặt kỹ thuật, 1.800 USD/ounce là ngưỡng vô cùng quan trọng đối với giá vàng. Nếu kim loại quý này có thể tiếp tục dao động quanh mức đó, thị trường có thể tiếp tục đi lên.

Tuy nhiên, ông Moya thêm rằng: "Đối với vàng, sóng gió lớn nhất luôn là Fed sẽ phải quyết liệt như thế nào trong chính sách thắt chặt". "Với một số báo cáo lạm phát nóng hơn được đưa ra trước cuộc họp FOMC tháng 3, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là lãi suất có lẽ cần tăng nửa điểm để ngăn chặn lạm phát." Và một môi trường ở đó lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao không bao giờ tốt cho vàng.

Nhưng diễn biến thị trường gần đây cho thấy vàng và lợi tức trái phiếu không phải lúc nào cũng trái chiều. "Nếu chúng ta đang nói về việc lợi suất trái phiếu kho bạc tăng thêm 30 điểm cơ bản, điều đó thường có nghĩa là vàng ở mức 1.650 USD. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, và càng không đúng với thực tế hiện tại", ông Moya nói.

Tin tốt cho vàng là xuất hiện ngay những người mua khi giá giảm xuống dưới mức 1.800 USD. Song, nếu điều đó thay đổi, kim loại quý có thể gặp rắc rối.

Peter Spina, Chủ tịch và Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn đầu tư GoldSeek.com cho rằng miễn là giá vàng vẫn trên ngưỡng 1.750 USD/ounce và thị trường không có các đợt bán tháo, giá kim loại quý này sẽ có cơ hội bứt phá.

"Sẽ là một thời kỳ khó khăn đối với chứng khoán và vàng khi bước vào tháng 3. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều dòng vốn chảy vào vàng hơn chỉ vì những rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát gia tăng. Bitcoin một lần nữa lại bắt đầu cạnh tranh với vàng", "Nhưng những người mua vàng xuất hiện khi giảm giá, cho thấy rằng đối với nhiều nhà đầu tư, vàng vẫn là một biện pháp bảo vệ chống lại lạm phát và là một nơi trú ẩn an toàn." ông Moya phân tích.

Ngoài sự không chắc chắn về động thái của Fed, các thị trường cũng đang đối phó với việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) bắt đầu nghiêng về thái độ ‘diều hâu’.

Mặc dù giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức -0,5% trong tuần này, song chủ tịch ECB Christine Lagarde trong cuộc họp báo đã nói rằng bà đang ngày càng lo ngại về sự gia tăng lạm phát trong thời gian gần đây. Bình luận của bà được đưa ra sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro tháng 1 tăng kỷ lục 5,1%.

BoE cũng đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát – đang cao nhất trong vòng trong ba thập kỷ ở nước này – bằng việc tăng lãi suất 2 lần liên tiếp chỉ trong 1 tháng – lần đầu tiên tăng liên tục như vậy kể từ 2004 – lên 0,5%.

Theo ông Moya: "Thị trường tài chính đang cho rằng BoE tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 3. Việc thắt chặt mạnh mẽ như vậy sẽ rất khó khăn cho vàng".

Nhìn chung, các nhà phân tích cho rằng giá vàng đang bị ‘mắc kẹt’ bởi các yếu tố đối lập khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát gia tăng, nhưng bên cạnh đó là thái độ ‘diều hâu’ ngày càng tăng của các ngân hàng trung ương, chưa kể đến sự gia tăng biến động trên các thị trường tài chính khi các ngân hàng trung ương loại bỏ thanh khoản.

Tuần này, 17 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát về nhận định triển vọng giá vàng tuần tới của Kitco News. Trong đó, có 5 người, tương đương 29%, dự báo giá sẽ tăng, còn tỷ lệ dự đoán giá sẽ giảm và đi ngang được chia đôi ở những người còn lại (mỗi phương án thu hút được 6 phiếu).

Trong khi đó, 683 phiếu khảo sát trực tuyến được gửi đi, trong đó 385 người, tương đương 56%, dự báo giá vàng tăng trong tuần tới; 152 người, tương đương 22%, dự đoán giá giảm, và 146 người, tương đương 21%, có ý kiến trung lập.

Giá vàng lên không được, xuống chẳng xong - Ảnh 1.

Kết quả khảo sát về triển vọng giá vàng tuần tới.

Bên cạnh vấn đề lãi suất, thị trường vàng đang chịu tác động từ một số vấn đề khác. Đói là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cùng với giá năng lượng tăng cao sẽ giúp vàng tăng giá.

"Mọi thứ đều đòi hỏi năng lượng để sản xuất và khai thác. Tôi hy vọng rằng chi phí năng lượng cao hơn sẽ làm tăng giá kim loại quý", "Căng thẳng địa chính trị với Nga có thể tác động lớn đến giá năng lượng", nhà phân tích thị trường cấp cao của, Frank Cholly Cholly, nhận định.

Tuy nhiên, cân đối sức nặng của các yếu tố tác động, các nhà phân tích cho rằng giá vàng phải vượt xa khỏi ngưỡng 1.800 USD, thậm chí chạm 1.900 USD mới có cơ hội thoát khỏi thế ‘mắc kẹt’ hiện nay.

Thị trường hiện đang tập trung theo dõi số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới. Các nhà phân tích ước tính lạm phát tháng 1 của Mỹ lên tới 7,3%.

Tham khảo: Kitco, Reuters

 

Vân Chi

Theo Nhịp sống kinh tế