Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 9/5/2023

 

Giá vàng thế giới và giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (8/5), các doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng theo hướng giảm nhẹ, ở mức 50 nghìn đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,4 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,4 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá vàng trong nước giảm 80 nghìn đồng/lượng cả tuần qua, tương đương 0,1% về giá trị, trong khi đó giá vàng thế giới tăng hơn 1%.

Giá vàng hôm nay 9/5/2023
Giá vàng hôm nay 9/5/2023: Giá vàng tăng, là nơi ‘hạ cánh an toàn’ của chuyến bay trốn rủi ro suy thoái, có lãi ngay khi mua-bán vàng SJC. (Nguồn: Shutterstock)

Trong khi đó, trên thị trường châu Á, giá vàng tăng trong phiên 8/5 khi đồng USD xuống giá, trong khi các nhà đầu tư chờ số liệu về lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, điều có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên chiều 8/5, giá vàng giao ngay có lúc tăng 0,2%, lên 2.020,8 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2%, lên 2.029,3 USD/ounce.

Đồng USD giảm 0,1%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.

Số liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố ngày 10/5.

Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, thời điểm 18h48’ ngày 8/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco tại 2.023,1 – 2.024,1 USD/ounce, tăng 5,5 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 8/5:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,45– 67,05 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,55 – 67,10 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,55 – 67,08 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 56,47 – 57,47 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 56,20 – 57,30 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 8/5, 1 USD = 23.630 VND, giá vàng thế giới tương đương 57,62 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 9,48 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với đầu giờ sáng 8/5, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tăng 100 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 80 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ

Giá vàng thế giới tăng vào phiên giao dịch thứ Hai khi đồng USD giảm giá và rủi ro kinh tế chiếm ưu thế, trong khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho dữ liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá đường lối chính sách của Fed.

Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.022,01 USD/ounce vào lúc 11h56 GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 2.030,40 USD.

Chỉ số USD giảm 0,1% khiến vàng thỏi trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Ông Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity cho biết: "Vàng vẫn được hỗ trợ khi thị trường cảnh giác với sự bất ổn tài chính hơn nữa của Mỹ, điều này sẽ chỉ làm tăng rủi ro suy thoái của nền kinh tế số 1 thế giới. Nếu tai ương giữa các ngân hàng khu vực được chú ý trở lại, điều đó có thể kích hoạt một bước tiến khác cho kim loại quý này".

Nhà phân tích Han Tan cho biết thêm, các nhà đầu tư và thương nhân vẫn đang đặt cược rằng Fed cuối cùng sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, điều này hỗ trợ cho vàng vốn có lợi suất bằng 0.

Những lo ngại xung quanh lĩnh vực ngân hàng kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon có trụ sở tại Mỹ sụp đổ đã đẩy nhanh “chuyến bay” hạ cánh tại tài sản trú ẩn an toàn, giúp giá vàng đạt được mức tăng ấn tượng vào tháng Tư vừa qua.

Ngoài dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ công bố vào thứ Tư, các nhà giao dịch cũng đang theo dõi các diễn biến xung quanh lĩnh vực ngân hàng và trần nợ công của nước này.

Các chỉ số lạm phát của tuần này cũng sẽ theo sau dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm của Hoa Kỳ tăng nhanh trong tháng 4, điều này cũng hỗ trợ cho nhận định rằng Fed có thể buộc phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và khiến giá vàng giảm mạnh vào thứ Sáu tuần trước.

Jigar Trivedi, nhà phân tích của Reliance Securities có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ cho biết: “Nếu lạm phát của Mỹ tăng cao hơn, Fed có thể phải đánh giá lại chiến lược của mình, khiến đồng USD phục hồi và nếu ngược lại, tất cả sẽ khiến vàng đảo chiều”.

Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại công ty giao dịch ngoại tệ, kim loại quý KCM Trade (Cộng hòa Mauritius) cho rằng, nếu có dấu hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt, đồng USD sẽ chịu sức ép do khả năng Fed giảm lãi suất, từ đó đẩy giá vàng lên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo việc Quốc hội không hành động trong vấn đề trần nợ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Nhà phân tích Waterer nhận định, vàng có thể tăng tới mức 2.100 USD/ounce nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục yếu.

Nền kinh tế không chắc chắn và lãi suất giảm sẽ làm tăng nhu cầu vàng.