Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 9/3/2023

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch sáng ngày 8/3 (giờ Việt Nam) trên sàn New York đã rơi thẳng xuống 1.813,3 USD, giảm 33,2 USD/ounce so với mức đóng cửa phiên liền trước.

Trong khi đó, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã xuyên thủng ngưỡng 105,5 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 3 tháng.

Đến 19h40 ngày 8/3, giá vàng trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.814,8 - 1.815,8 USD/ounce, tăng 1,5 USD so với phiên liền trước.

Giá vàng giảm mạnh sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.

Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra rằng, dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022. Ông cảnh báo về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhận định này của ông Powell được giới đầu tư và chuyên gia phân tích diễn giải thành hai luận điểm. Thứ nhất, lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này sẽ cao hơn so với dự kiến trước đó của giới chức Fed. Và thứ hai, bước nhảy lãi suất của Fed có thể tăng lên nếu số liệu lạm phát tiếp tục nóng lên.

Trong nước, giá vàng giảm cùng chiều thế giới và chạm đáy 5 tháng. Nếu so với cách đây một tháng, giá vàng miếng SJC đã giảm gần 1 triệu đồng một lượng.

Ghi nhận của TG&VN lúc 15h ngày 8/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá mua vào đối với vàng miếng SJC là 65,8 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 66,5 triệu đồng/lượng; giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với chiều qua.

Giá vàng hôm nay 9/3/2023: Giá vàng 'sụt hố', 'cá mập' bán tháo, SJC chạm đáy 5 tháng
Giá vàng hôm nay 9/3/2023: Giá vàng 'sụt hố', 'cá mập' bán tháo, SJC chạm đáy 5 tháng. (Nguồn: CNBC)

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch cuối ngày 8/3:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở: 65,80 – 66,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,80 – 66,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,95 – 66,60 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,80 – 66,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,00 – 66,60 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,52 – 54,37 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,15– 54,25 triệu đồng/lượng.

"Cá mập" bán tháo vàng, tương lai thế nào?

Nhà giao dịch cấp cao Tai Wong của công ty Heraeus Precious Metals ở New York (Mỹ) nhận định, việc ông Powell trực tiếp đề cập đến việc thắt chặt nhanh hơn đã khiến toàn bộ thị trường kim loại quý chịu áp lực từ cú tăng mạnh của đồng USD…

Đến lúc này, ông Powell thẳng thừng và cứng rắn hơn những gì thị trường đã kỳ vọng trước đó.

Ông Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính City Index (Vương quốc Anh) cho hay, giá vàng có thể phá ngưỡng 1.800 USD/ounce. Lãi suất cao hơn thường làm làm giảm sức hấp dẫn của vàng bởi chúng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Trong bối cảnh này, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 3 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 906,6 tấn vàng. Trong vòng 2 tuần, quỹ đã bán ròng trên 10 tấn vàng.

Trong dài hạn, nhận định về thị trường kim loại quý, ông Pierre Lassonde, Chủ tịch danh dự của Công ty vàng Franco-Nevada và là CEO của quỹ đầu tư Fireside Investments cho rằng, giá vàng sẽ đạt mức cao nhất là 2.400 USD/ounce trong vòng 5 năm tới.

Vị chuyên gia này nói: "Tôi nghĩ rằng trong 5 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến một hệ thống thanh toán và tiền tệ kép, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Vì thế, trong vòng 5 năm tới, tôi cho rằng giá vàng sẽ đạt từ 2.300 USD/ounce đến 2.400 USD/ounce".

Ông Lassonde cho biết thêm, các ngân hàng trung ương đang mua thêm vàng khi căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu.

Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào một lượng lớn vàng kỷ lục, với 1.136 tấn, cao nhất kể từ năm 1950. Đây là năm mua ròng thứ 12 của các ngân hàng trung ương.

Ông Lassonde nhấn mạnh: "Các ngân hàng trung ương này đang mua vàng để dự trữ. Liệu họ có sử dụng vàng cho một loại tiền tệ mới hay không vẫn chưa rõ, nhưng tôi tin là rồi sẽ có một hệ thống tiền tệ và thanh toán kép. Điều đó không tốt cho USD".