Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 7/4/2023

 

Giá vàng thế giới rời khỏi mức cao nhất trong một năm trong phiên giao dịch chiều 6/4 do đồng USD phục hồi. Tuy nhiên, thị trường vàng tiếp tục duy trì mức tăng đột phá từ đầu tuần, nhưng ít biến động khi thị trường lao động Mỹ tiếp tục mất đà với số người thuộc lực lượng lao động nộp đơn xin trợ cấp việc làm lần đầu nhiều hơn dự kiến.

Ghi nhận của TG&VN vào 21h15 ngày 6/4, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tại 2.007,40 - 2.008,40/ounce, giảm 12,6 USD (0,62%) so với phiên liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 được giao dịch lần cuối ở mức 2.029,60 USD/ounce, giảm 0,29% trong ngày, sau khi đạt mức cao hàng ngày là 2.049 USD - mức cao nhất trong 12 tháng.

Giới phân tích cho rằng, các điều kiện thị trường đang có lợi cho giá vàng, khi kim loại quý được hỗ trợ thêm bởi sự suy yếu của đồng USD, vàng-USD thường có mối quan hệ nghịch đảo. Trong khi đó, khả năng xảy ra cơn gió ngược lớn đối với vàng có thể giảm bớt, khi Fed có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong những tháng tới.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ neo gần mức thấp nhất trong 7 tháng, trong khi đồng USD tăng 0,1%, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.

Trước đó, vàng đã trải qua những phiên giao dịch ở mức giá kỷ lục - trên 2.030 USD/ounce, với nỗi lo suy thoái kinh tế thúc đẩy tâm lý thị trường. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 2,4% sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng và dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ trong tuần làm thị trường thêm lo ngại rằng, suy thoái kinh tế sẽ khiến kim loại quý này tiếp tục tăng vọt trên 2.000 USD/ounce.

Ricardo Evangelista, Nhà phân tích cấp cao của ActivTrades cho biết: “Giá vàng tiếp tục tăng, tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại - đạt được vào mùa Hè năm 2020 khi sự bất ổn do đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, khiến các nhà đầu tư hướng tới sự an toàn của kim loại quý”. Trong khoảng thời gian này, những lý do khiến nhà đầu tư lo lắng có thể là do lo ngại về suy thoái kinh tế.

Các chuyên gia của sàn giao dịch CMC Markets có trụ sở tại Anh cũng nhất trí cho rằng, sự “đảo chiều” trong chính sách lãi suất của Fed có thể diễn ra sớm hơn, từ đó sẽ kích hoạt một đợt tăng giá vàng tiếp theo. CMC Markets dự đoán giá vàng có thể tăng vọt lên đến 2.600 USD/ounce do đồng USD và lợi suất trái phiếu sụt giảm.

Giá vàng hôm nay 17/2/2023: Giá vàng mắc kẹt, chưa tìm thấy động lực. (Nguồn: Kitco)
Giá vàng hôm nay 7/4/2023: Giá vàng từng bước tiến đến mức cao nhất mọi thời đại, vàng trong nước giảm cả ngày. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng SJC tính chung trong cả ngày (6/4) không giảm mạnh, nhưng diễn ra cả ngày, chốt phiên giao dịch tiếp tục giảm trong khoảng 20.000 - 150.000 đồng/lượng tại phần lớn hệ thống kinh doanh. Giá vàng trang sức cũng đồng loạt giảm. Riêng giá vàng trong nước tại Công ty VBĐQ Sài Gòn không thay đổi so với giá cập nhật đầu phiên, duy trì ở mức giá 66,50 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 6/4:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,40 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,50 – 67,10 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,50 – 67,03 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,59 – 56,54 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,25 – 56,35 triệu đồng/lượng.

Bối cảnh vĩ mô vẫn hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng

Làm rõ hơn về lo ngại suy thoái kinh tế, chuyên gia Ricardo Evangelista phân tích, “Cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3 đã làm nổi bật tác động tiêu cực mà việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế thực. Các dữ liệu kinh tế được công bố phần lớn đều cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cả niềm tin. Nổi bật với thông báo gần đây nhất của OPEC+ về quyết định cắt giảm sản lượng, có khả năng dẫn đến lạm phát và góp phần làm suy giảm thêm tâm lý của giới đầu tư”.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết, giao dịch vàng đang trở nên “nhộn nhịp” trong bối cảnh vĩ mô vẫn hỗ trợ mạnh mẽ cho vàng.

Ajay Kedia, Giám đốc Trung tâm Kedia Commodities ở Mumbai, cho biết, dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này là những yếu tố chính hỗ trợ cho giá vàng, đồng thời ông cũng lưu ý đến một số hoạt động chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào ngày 7/4.

Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao của FXTM, cho biết báo cáo việc làm của Mỹ sắp được công bố vào thứ Sáu (7/4) có thể xác định liệu kim loại quý kết thúc tuần ở trên hay dưới 2.000 USD. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường chỉ có thể được đánh giá vào thứ Hai tuần sau vì hầu hết các thị trường tài chính sẽ đóng cửa cho kỳ nghỉ Thứ Sáu Tuần Thánh.

Mặc dù một số chuyên gia hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn thảo luận về việc tăng lãi suất nhiều hơn, nhưng thị trường đang dự đoán về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tăng lên. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường nhận thấy 58% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 5 và có khoảng 50% cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 7.

Kim loại quý thường được coi là hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn kinh tế, nhưng lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của loại kim loại không mang lại lợi tức này.

Trong khi đó, theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), thị trường vàng tiếp tục được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao của các ngân hàng trung ương, khi các quốc gia tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ của họ. Theo đó, dự trữ vàng toàn cầu đã tăng 52 tấn trong tháng 2, tháng tăng thứ 11 liên tiếp. Trong tháng 1, các ngân hàng trung ương đã mua 74 tấn vàng. Từ đầu năm đến nay, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương là 125 tấn. Nhà phân tích cấp cao Krishan Gopaul của WGC cho biết: “Đây là khởi đầu mạnh mẽ nhất trong một năm kể từ ít nhất là năm 2010”.