Giá vàng hôm nay 3/4: Lạm phát tiềm tàng, vàng bứt phá trở lại, nên mua vào hay bán ra?
Giá vàng hôm nay 3/4, giá vàng SJC biến động theo xu hướng tăng của thị trường, hiện niêm yết tại 54,98 - 55,30 triệu đồng/lượng. (Nguồn: Shutterstock)

Cập nhật giá vàng hôm nay 3/4

Giá vàng hôm nay 3/4 trên thị trường trong nước có thể tiếp tục được hỗ trợ từ đà tăng của thị trường thế giới. Đến cuối phiên hôm qua (2/4), tiếp theo phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC đã tăng thêm khoảng 130.000 - 250.000 đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh.

Cụ thể, tại Công ty VBĐQ Sài Gòn chi nhánh miền Nam, ghi nhận cuối phiên cùng tăng thêm 250.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua vào và bán ra, niêm yết giá vàng SJC tại 54,95 - 55,35 triệu đồng/lượng.

Còn tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC biến động theo xu hướng tăng của thị trường, hiện niêm yết tại 54,98 - 55,30 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán, so với giá đầu phiên sáng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng tăng nhanh, lên mức 50,57 - 51,17 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức có sự điều chỉnh, giao dịch tại 49,95 - 51,05 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, đóng cửa nghỉ ngày Good Friday (2/4) và cuối tuần, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco neo trên mốc 1.730 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 đạt 1.730,45 USD/ounce.

Sức ép tứ bề vàng vẫn tăng

Trên thực tế thì Bản kế hoạch chi tiết cho gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hỗ trợ kim loại quý. Công bố của Tổng thống Biden đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề lạm phát đã giúp tăng sức hấp dẫn của giá vàng. Bởi như nhận định của chuyên gia Xiao Fu từ Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc, mối quan tâm của thị trường nay đã rời sang triển vọng lạm phát tiềm tàng.

Nhưng chuyên gia Fu lưu ý, đây không phải là xu hướng chính vì vàng vẫn chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, tuy nhiên lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng thường ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của vàng như là một biện pháp phòng vệ trước lạm phát, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng khi kim loại quý này không đem lại lãi suất.

Trưởng bộ phận chiến lược gia Blue Line Futures ở Chicago, Phillip Streible cho rằng, đây là sự điều chỉnh tăng của một thị trường đi xuống và vàng có thể tăng lên mức 1.740 USD/ounce trước khi lợi suất trái phiếu tiếp tục xu hướng đi lên và khiến kim loại quý giảm giá rở lại.

Tuy nhiên, hiện tại, giới chuyên gia nhận định, vẫn còn một số yếu tố thúc đẩy để giá vàng tăng lên trong ngắn hạn.

Tâm lý tích cực của các chyên gia phân tích Phố Wall trên thị trường vàng đang cải thiện vì giá đã phục hồi từ đáy 1.700 USD/ounce.

Ngoài ra, giá vàng còn được hỗ trợ bởi hoạt động tái cân bằng danh mục cuối quý. Hoạt động mua vào để đóng trạng thái khiến giá vàng thế giới tăng trở lại sau hai ngày lao dốc.

Trong ngày 1/4, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR tiếp tục bán ra 4,67 tấn vàng, đưa lượng vàng nắm giữ tại quỹ này xuống còn 1.032,83 tấn, giảm hơn 50 tấn so với đầu tháng 3.

Ngoài ra, sự lạc quan trên thị trường cũng được thúc đẩy bởi báo cáo tích cực về số việc làm tư nhân của Mỹ. Trong khi đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ quay đầu giảm tạo động lực cho kim loại quý tăng giá. Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ tuần trước cũng bất ngờ tăng, khiến triển vọng hồi phục tại nền kinh tế lớn nhất thế giới u ám, qua đó làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước lại lên 719.000, cao hơn dự báo trước đó là 675.000.

Tất nhiên, thị trường vẫn đang gặp nhiều thách thức phải giải quyết và các nhà đầu tư cá nhân vẫn nghi ngờ rằng, biến động giá vàng hiện tại có thể không bền vững.

Chứng khoán - đối thủ đáng gờm của vàng

Dù giá vàng đang trên đà tăng trở lại sau nhiều phiên giảm sâu, tuy nhiên, xu hướng tăng của các thị trường chứng khoán đang gây áp lực không nhỏ cho mặt hàng kim loại quý. Hay nói cách khác, vàng đang tăng bất chấp áp lực tăng của các thị trường chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 lần đầu cán mốc 4.000 điểm nhờ đề xuất đầu tư 2.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden. Chốt phiên, S&P 500 tăng 1,2% lên kỷ lục mới 4.019 điểm.

DJIA tăng 0,5% lên 33.153 điểm. Nasdaq Composite tăng 1,8% lên 13.480 điểm. Các đại gia công nghệ hôm qua đều đi lên, do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Alphabet và Netflix tăng gần 3%. Amazon và Microsoft tăng hơn 2%.

Theo chiến lược gia thị trường Craig Johnson tại Piper Sandler nhận định, "Việc Mỹ mở cửa lại nền kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán, do nhà đầu tư đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Các chương trình hỗ trợ tài khóa và tiền tệ vẫn có quy mô rất lớn". Chỉ số sản xuất của Mỹ tháng trước tăng vọt lên 64,7, từ 60,8 hồi tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 1983.

Minh Anh