Giá vàng hôm nay 25/3: Giá vàng trở lại đường đua, 'bão lớn' sắp tái diễn, thời điểm mua vào?

Giá vàng hôm nay 25/3, thế giới tăng mạnh hai con số chạm ngưỡng 1.960 USD. Giá vàng thế giới vẫn duy trì xu hướng tăng áp đảo và nếu thị trường vượt qua mốc nhạy cảm này, rất có thể giá sẽ còn tăng tiếp. Vàng SJC vẫn bám chắc 68 triệu đồng/lượng, dù thị trường không sôi động, lợi nhuận kém xa với một số kênh đầu tư khác.
Giá vàng hôm nay 25/3: dshfsk
Giá vàng hôm nay 25/3 có khả năng tăng mạnh nhờ nhu cầu mua trú ẩn an toàn trở lại và lo ngại lạm phát. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 25/3:

Giá vàng SJC vẫn duy trì giao dịch quanh ngưỡng hơn 68 triệu đồng/lượng, dù trong phiên liền trước (ngày 24/3) diễn biến giá tăng vào đầu phiên nhưng sau đó lại quay đầu giảm ở cuối phiên, khiến giá giao dịch đã giảm trở lại từ 50.000 đồng/lượng đến 200.000 đồng/lượng tại các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc.

Theo đó, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm nhiều nhất tại Tập đoàn Doji khi giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra và 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Công ty VBĐQ Sài Gòn và Tập đoàn Phú Quý cùng đảo chiều giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều mua vào giảm lần lượt 150.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.

Với mức điều chỉnh ít hơn, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ cũng điều chỉnh giảm đồng thời 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, còn giảm lần lượt 200.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng ở chiều chiều bán ra. Tại Bảo Tín Minh Châu, cuối phiên giá vàng SJC cũng giảm 50.000 đồng/lượng đối với cả chiều mua vào và bán ra.

Sau "cơn sốt” giá thứ 1 vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, giá vàng trong nước tăng vọt lên mức 60 triệu đồng/lượng và lập bằng mới ổn định, trong gần 2 năm qua. Thị trường trong nước lại vừa trải qua "cơn sốt” giá thứ 2, khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Giá vàng SJC đã vọt lên mức cao nhất lịch sử 74,4 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống 68-69 triệu đồng/lượng và giữ mặt bằng này trong những ngày qua.

Nếu tình hình chiến tranh ở Đông Âu dần hạ nhiệt, tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại; những dấu hiệu phục hồi, khởi sắc của nền kinh tế xuất hiện sẽ khiến cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành kinh tế khác. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ ổn định và những "cơn bão lớn" ít có khả năng tái diễn.

Tuy nhiên, do một số lý do về cơ cấu, ở thời điểm hiện tại, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức kỷ lục. Giá vàng trong nước hiện đang đắt hơn với thế giới tới khoảng 14-15 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.Theo phân tích của các chuyên gia, hiện không phải thời điểm thích hợp để mua vàng đầu tư dài hạn. Người dân chỉ nên mua khi chênh lệch giá thị trường vàng trong nước và thế giới ở mức hợp lý - khoảng 2-3 triệu đồng/lượng. Nếu có khoản tiền nhàn rỗi, để tránh rủi ro, nhà đầu tư không nên bỏ trứng vào một giỏ, chỉ nên đầu tư một phần vào vàng, số còn lại chia sang kênh đầu tư khác như bất động sản, sản xuất kinh doanh.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 24/3), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,20 – 68,92 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 68,10 – 68,85 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,15 – 68,90 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,20 – 68,90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,01 – 68,79 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,49 – 56,23 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,70 – 56,10 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất

Giá vàng thế giới đã phá vỡ ngưỡng 1.950 USD/ounce chạm mốc 1.960 USD. Giá kim loại quý đã tăng hai con số nhờ nhu cầu an toàn từ sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi đồng USD tăng cao và lợi suất trái phiếu cao gây áp lực lên vàng. Bất kỳ sự suy yếu nào sắp tới của USD đều sẽ hỗ trợ cho kim loại quý. Giới phân tích cho rằng, nếu xu hướng tăng giá được duy trì và giá vàng vượt qua ngưỡng 1.960 USD thì mức tăng tiếp theo sẽ cao hơn khoảng 15 USD.

Ghi nhận của TG&VN vào 4h30 ngày 25/3, giá vàng thế giới chốt giao dịch trên sàn Kitco tại 1.956,9 USD/ounce, tiếp tục kéo dài đà tăng giá trở lại trong cả ngày hôm qua, hiện tăng 12,9 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 26,70 USD giao dịch ở mức 1.964 USD/ounce.

Giới phân tích hiện đang có quan điểm rằng, các nhà đầu tư vàng không nên lo ngại vàng sẽ từ bỏ ngưỡng 2.000 USD/ounce mà không có một biến động lớn nào. Như phân tích của chuyên gia Chantelle Schieven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Murenbeeld & Co., vàng đã tìm thấy một phạm vi mới và kim loại quý này đang xây dựng một cơ sở vững chắc trong khoảng từ 1.900 - 2.000 USD/ounce.

Thị trường vàng đã được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn đáng kể khi xung đột Nga-Ukraine bước vào tuần thứ năm. Ngay cả khi cuộc chiến ở Đông Âu được giải quyết, chuyên gia Schieven cho biết, bà không hy vọng nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ cạn kiệt hoàn toàn, bởi xung đột đã trở thành một điểm mấu chốt quan trọng đang thay đổi cục diện địa chính trị và thị trường tài chính toàn cầu.

Ở một diễn biến khác, giá vàng đang bứt tốc, tăng mạnh trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ mạnh tay trong việc kiểm soát lạm phát. Vì vậy, vàng đã trở lại đường đua tăng giá trong bối cảnh nhiều người lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế số 1 thế giới. Ông Edward Moya từ Oanda đánh giá, kim loại quý sẽ có một đợt tăng giá trong thời gian tới khi lạm phát đang tới gần và tình hình chiến sự ở Ukraine không hạ nhiệt.

"Theo quy luật chung, nếu lợi suất cao thì khả năng tăng giá của vàng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, giới đầu tư lại lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ đến nên sức hút trú ẩn của vàng sẽ tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn căng thẳng", ông Moya nói.

Đồng quan điểm, ngân hàng United Overseas của Singapore (UOB) cũng cho rằng, vàng còn rất nhiều dư địa để tăng giá khi lạm phát tăng nhanh. "Nỗi sợ lạm phát đình trệ ngày càng gia tăng khiến giá vàng bị chi phối. 2 tuần trước, giá kim loại quý đạt mức cao kỷ lục và cán mốc 2.070 USD/ounce. Động thái này diễn ra ngay sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga khiến giá hàng hóa toàn cầu biến động".

Trong khi đó, hiện tại, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đang neo gần đỉnh kể từ tháng 5/2019, xác lập vào phiên trước. Lợi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Tuy nhiên kim loại quý nhận được hỗ trợ từ việc Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Còn Tổng thống Nga Putin đe doạ các quốc gia mua khí đốt phải thanh toàn bằng đồng Ruble, động thái làm đẩy giá hợp đồng tương lai tại châu Âu tăng vọt do lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng và làm tắc nghẽn các giao dịch trị giá lên tới hàng trăm triệu USD mỗi ngày.

Thể hiện tâm lý của nhà đầu tư, lượng vàng nắm giữ tại quỹ ETF vàng hàng đầu thế giới, SPDR Gold Trust, đã tăng 0,4% lên 1.087,66 tấn hôm 23/3, mức cao nhất kể từ ngày 26/2/2021.

Dự báo giá vàng?

Theo nghiên cứu của UOB, mọi người đang có xu hướng phân bổ danh mục đầu tư nhiều hơn vào vàng. Do đó, ngân hàng này dự báo, vàng sẽ giao dịch ở mức 2.100 USD/ounce trong quý II, cán mốc 2.150 USD/ounce trong quý III và đạt ngưỡng 2.200 USD/ounce trong quý IV.

Về xu hướng của giá vàng, UOB cho biết, các yếu tố tác động đến giá vàng tiếp tục là lo ngại lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng. Theo UOB, những yếu tố này có thể khiến giá vàng đạt mức 2.200 USD/ ounce vào cuối năm.

Mặc dù vàng có thể biến động nhiều hơn trong thời gian tới, Jordan Eliseo, giám đốc sản phẩm niêm yết và nghiên cứu đầu tư tại Perth Mint, cho biết, thị trường vẫn khỏe mạnh. Trong một bài bình luận được công bố hôm thứ Ba, Eliseo thừa nhận lo ngại thị trường kim loại quý có thể chứng kiến hành động giá tương tự như năm 2011 khi giá lần đầu tiên đạt mức cao kỷ lục.