Giá vàng hôm nay 2/3: Giá vàngghdgfh
Gái vàng hôm nay 2/3 đang duy trì đà tăng vững chắc khi nhu cầu trú ẩn an toàn thống trị thị trường. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 2/3

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, chốt phiên giao dịch hôm qua (1/3) giá tiếp tục vượt qua các ngưỡng tăng mạnh từ trên 200.000 đồng/lượng đến 700.000 đồng/lượng tùy theo từng hệ thống kinh doanh. Trong đó, Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh giá vàng tăng mạnh nhất tới 650.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại Công ty VBĐQ Sài Gòn và Tập đoàn Doji, giá vàng SJC cùng tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều mua tăng lần lượt 400.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, hệ thống PNJ và Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC tăng lần lượt 550.000 đồng/lượng và 210.000 đồng/lượng ở chiều mua, tăng 450.000 đồng/lượng và 360.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên mở cửa buổi sáng.

Như vậy, giá vàng trong nước đã cao hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với mức giá cuối ngày hôm qua, tiếp tục tiến sát đỉnh mới - 67 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước thường biến động theo xu hướng giá vàng thế giới vì vậy, giá vàng trong nước được dự báo có thể tăng thêm trong phiên giao dịch ngày mai (2/3).

Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn liên tục biến động mạnh theo những diễn biến khó lường trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Mặc dù không còn biến động quá mạnh như những ngày đầu Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine, nhưng thị trường kim loại quý đang duy trì đà tăng vững chắc khi nhu cầu trú ẩn an toàn thống trị thị trường. Do đó, thị trường vàng được dự báo trong ngắn hạn sẽ biến động theo những hành động mà ông Putin sẽ thực hiện trong những ngày này.

Kết thúc phiên giao dịch tuần trước (ngày 25/2), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,65 – 66,42 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 65,30 – 66,30 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,55 – 66,50 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,50 – 66,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,57 – 66,50 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,72 – 55,57 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,20 – 55,40 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất

Thị trường vàng đang bỏ qua các dữ liệu kinh tế mới nhất khi các nhà đầu tư và thương nhân tiếp tục phản ứng với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ghi nhận của TG&VN vào lúc 0h05 ngày 2/3, giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn điện tử Kitco đang vào đà tăng mạnh tới 1.934,2 USD/ounce, tăng 24,5 USD (1,28%) so với chốt phiên liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 giao dịch lần cuối ở mức 1.926,60 USD/ounce, tăng 1,36% trong ngày.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trở lại sau vài phiên điều chỉnh giảm, mà theo một số chuyên gia phân tích, đó là lúc thị trường tỏ ra bình tĩnh hơn là do các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga-Ukraine. Mặc dù hai bên không đạt được bước đột phá nào nhưng ít nhất là đã có thiện chí ngồi lại đàm phán và thống nhất về một vòng đàm phán mới, dù chưa ấn định được thời điểm.

Trong khi đó, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Viện quản lý nguồn cung (ISM), đà tăng mạnh đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ. Theo tính toán của ISM, chỉ số sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng mạnh hơn dự kiến (58%) đạt 58,6% trong tháng Hai, tăng hơn so với mức 57,6% của tháng Giêng. Theo đó, lĩnh vực sản xuất Mỹ được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh và ràng buộc bởi chuỗi cung ứng. Trong khi dù biến thể Omicron vẫn có tác động đáng kể nhưng đã có dấu hiệu thuyên giảm, báo hiệu một sự phục hồi mạnh hơn nữa ​​vào tháng 3". Các chỉ số trên 50% như trên được coi là dấu hiệu tốt phản ánh sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, tâm lý lấn lướt trên thị trường vẫn là sự bất ổn và lo sợ, với tâm điểm chú ý là liệu các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế sẽ bắt đầu tác động đến các dòng chảy hàng hóa như thế nào và nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Tình hình xung đột cũng trở nên bế tắc hơn khi các nước phương Tây vẫn tiếp tục tuyên bố cung cấp thêm khí tài cho Ukraine. Đó là lý do dòng vốn đầu cơ tiếp tục chuyển về nơi trú ẩn an toàn như vàng, hoặc hàng hóa có khả năng sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn trong ngắn hạn như dầu thô, trong khi, chứng khoán giảm.

Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu đã quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Nga mà còn tác động đến nhiều nước khác, bởi các giao dịch kinh tế quốc tế bị hạn chế. Điều này đã khiến giá vàng đột ngột tăng cao do nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng nên đã đẩy mạnh mua vàng.

Nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades nhận định, giá vàng đang phản ánh sự không chắc chắn vẫn còn khá cao trên thị trường tài chính, do rủi ro địa chiến lược gây ra bởi các sự kiện ở Ukraine.

Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của World Gold - Juan Carlos Artigas, nhận định, giá vàng có thể biến động theo cả hai hướng, do chiến thuật vị thế tiềm năng của nhà đầu tư, nhưng nhu cầu đầu tư có khả năng được hỗ trợ lâu dài hơn bởi lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị và sự sụt giảm tổng thể của thị trường.

Dự báo giá vàng?

Nhận định về tương lai giá vàng, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, mặt hàng trú ẩn an toàn sẽ có một đợt phục hồi lớn hơn nhiều trong tương lai với dự báo giá vàng có thể bứt phá lên mức 2.150 USD/ounce. Theo lý giải của các chuyên gia Goldman Sachs, vàng sẽ đóng vai trò trung tâm trong căng thẳng này khi Nga chuyển sang sử dụng kim loại quý để làm đòn bẩy trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia châu Âu đang áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này.

Trong khi đó, đứng về phe bị quan, chuyên gia Pierre Lassonde, CEO của Firelight Investments, cựu Chủ tịch Hội đồng vàng thế giới, lo ngại xung đột tại Đông Âu có thể kéo dài và còn tác động mạnh mẽ đến giá cả của nhiều loại hàng hóa. Đặc biệt, xung đột tại khu vực Đông Âu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá dầu trong thời gian tới. "Nếu cuộc chiến kéo dài thêm 2 tuần, 3 tuần hoặc có thể là một tháng, tôi nghĩ lúc đó giá dầu có thể đạt đỉnh 200 USD/thùng", chuyên gia Pierre Lassonde phân tích.

Theo vị chuyên gia này, ngoài áp lực từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát cũng là một yếu tố khiến giá hàng hóa leo thang. "Lạm phát hiện nay tương tự những năm 1970. Từ 1976-1981, lạm phát luôn tăng đều qua các năm. Lạm phát tăng khiến lãi suất và đồng USD cũng liên tục tăng giá. Và giá vàng cũng không nằm ngoài xu hướng tăng. Đây là điều mà chúng ta có thể sẽ thấy trong 4 năm tới ", chuyên gia Pierre Lassonde phân tích.

Nhận định về tương lai giá vàng, ông Pierre Lassonde cho hay: "Trong trung hạn, vàng sẽ tiến tới mốc 2.200-2.400 USD/ounce. Thậm chí, cựu Chủ tịch Hội đồng vàng thế giới cho rằng, nếu thị trường chứng khoán giảm 30% thì giá vàng sẽ tăng gấp 5 lần - ở mức 10.000 USD/ounce, có khả năng cao sẽ xảy ra trong 5 năm tới.