Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 2/2/2024

 

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, giá vàng miếng SJC tăng cao, cán mốc 78,3 triệu đồng/lượng.

Thị trường kim loại quý hôm nay lặng sóng ở đầu phiên, nhưng bật tăng mạnh vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2/2024, giá vàng miếng SJC đồng loạt tăng mạnh trong khoảng 400.000 - 800.000 đồng/lượng tại các đơn vị kinh doanh kim loại quý.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/2, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng tại 76 triệu 78,3 - 78,32 triệu đồng/lượng, ứng với mức tăng 600.000 đồng/lượng và 400.000 đồng/lượng.

Tập đoàn Doji cũng tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán, đẩy mức giao dịch lên 75,85 - 78,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức đều tăng mạnh khoảng 300 nghìn đồng/lượng theo giá vàng miếng.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn thương hiệu Vàng rồng Thăng Long tại 64,38 - 65,48 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng trang sức 9999 hương hiệu Vàng rồng Thăng Long giao dịch tại 63,95 - 65,15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ đưa ra những đánh giá và sửa đổi Nghị định 24 (ban hành năm 2012) về thị trường vàng, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp, bao gồm cả giải quyết vấn đề nguồn cung để tránh tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với thế giới.

Giá vàng thế giới vẫn có những phiên leo thang trước những căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.

Ghi nhận của TG&VN vào 21h30 ngày 1/2 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco tại 2.042,10 - 2.043,10 USD/ounce, tăng 3,2 USD so với phiên liền trước. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giao dịch lần cuối ở 2.063,70 USD/ounce, tăng 0,62% trong ngày.

Đúng như dự đoán, ngày 31/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ lãi suất trong khoảng từ 5,25% đến 5,50%, không đổi như thị trường kỳ vọng, nhưng cũng loại bỏ ý tưởng lâu nay về khả năng tăng lãi suất thêm. Đồng USD được hỗ trợ sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bác bỏ khả năng hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 3. Fed tin tưởng, lạm phát sẽ đạt mức 2% như mong muốn và họ vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất, tuy nhiên không phải trong tháng 3.

Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD hiện tương đương 60,9 triệu đồng/lượng (bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng hôm nay 2/2/2024: Giá vàng
Giá vàng hôm nay 2/2/2024: Giá vàng thế giới leo thang, trong nước bứt phá; Fed chưa hạ lãi suất, vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce? (Nguồn: Getty Images)

Tổng hợp giá vàng miếng SJC giao dịch tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 1/2/2024:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở 76,00 – 78,32 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 75,85 – 78,25 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 76,10 – 78,25 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 76,20 – 78,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 76,15 – 78,20 triệu đồng/lượng.

Fed chưa hạ lãi suất, giá vàng đi đâu?

Vàng vẫn giữ vững vị trí của mình ngay cả khi tuyên bố chính sách tiền tệ của Fed hỗ trợ đà tăng giá của đồng USD.

Giá vàng giữ mức tăng vững chắc trên 2.050 USD do Fed nhận thấy có ít động lực để cắt giảm lãi suất. Theo tuyên bố chính sách tiền tệ mới nhất, ngân hàng trung ương có thể không vội điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình vì ngân hàng này vẫn khá lạc quan về hoạt động kinh tế ngay cả khi rủi ro sắp xảy ra.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn chưa có tín hiệu giảm nhiệt mà vẫn theo xu hướng gia tăng. Đây là yếu tố giúp vàng được duy trì ở mức giá cao, vững chắc trên ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Trong nửa đầu năm, vàng được dự báo khó bứt phá do Fed nhiều khả năng không thực hiện việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, với những bất ổn leo thang cùng với nỗ lực mua vàng của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, vàng vẫn không giảm giá dù đã tăng mạnh hồi tháng 12/2023. Áp lực chốt lời không khiến mặt hàng này giảm mạnh.

Tóm lại, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu đi, giá vàng thế giới được dự báo có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024.

Trong nửa cuối năm 2024, đồng USD được dự báo giảm theo tiến trình cắt giảm lãi suất của Fed, nhiều khả năng giá vàng có thể tăng với mức độ mạnh hơn. Gần đây, một số dự báo vàng sẽ lên 2.400 USD/ounce, thậm chí 3.000 USD/ounce trong năm 2024.

Chuyên gia hàng hóa của Bloomberg Intelligence Mike McGlone lưu ý, năm 2023 là giai đoạn lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ, là dấu hiệu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới. Nếu lạm phát tại Mỹ không thuyên giảm, nền kinh tế số một thế giới cần phải duy trì mức tăng trưởng.

“Nếu thị trường chứng khoán Mỹ tránh được sụt giảm, kinh tế châu Âu phục hồi sau giai đoạn trượt dốc, giá hàng hóa có thể ổn định vào năm 2024. Sang năm 2025, lãi suất có thể mới dần được nới lỏng. Fed dường như muốn duy trì chính sách thắt chặt trong năm nay, do đó giá vàng có thể tăng kỷ lục trong 2024. Khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu đi, giá vàng có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024 và thậm chí có khả năng đạt 3.000 USD/ounce", McGlone nhận định.