Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 17/5/2023

 

Giá vàng thế giới giảm trước sự phục hồi nhẹ của đồng USD và áp lực bán vàng chốt lời trước kết quả đàm phán về trần nợ công (vào cuối ngày 16/5, giờ địa phương), khi giới hạn Mỹ vỡ nợ khiến giới đầu tư lo lắng ngày càng đến gần hơn. Cuộc khủng hoảng trần nợ Mỹ là một ẩn số lớn, với hạn chót là ngày 1/6 chỉ còn hơn hai tuần nữa.

Trong khi đó, Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam tại OANDA cho rằng, động lực tăng giá của vàng đang cạn kiệt và thị trường sẽ cần thấy nhiều hơn các tín hiệu về thay đổi chính sách tiền tệ từ Fed. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ của Mỹ tăng nhẹ đang khiến vàng hấp dẫn hơn một chút và giúp duy trì giá vàng quanh mức 2.000 USD.

Đầu tháng này, giá vàng đã chạm mức 2.072,19 USD/ounce chỉ kém một chút so với mức cao kỷ lục mọi thời đại - 2.072,49 USD, ghi nhận vào tháng 8/2020, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ám chỉ rằng, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của họ có thể sắp kết thúc.

Ghi nhận của TG&VN vào lúc 21h25 ngày 16/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tại 2005.0 - 2006.0 USD/ounce, giảm 11,2 USD so với phiên liền trước. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,5% xuống 2.011,70 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay 17/5/2023: Giá vàng
Giá vàng hôm nay 17/5/2023: Giá vàng 'tạm thua' trước áp lực bán, nhà đầu tư sẽ thức giấc trước nguy cơ suy thoái mới. (Nguồn: Getty Images)

Chuyên gia cao cấp Matt Simpson tại Công ty Dịch vụ tài chính City Index, cho biết hiện thị trường còn lo ngại về việc các thành viên Fed không đề cao khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngày 15/5, các quan chức Fed đã báo hiệu rằng, họ vẫn cần duy trì lãi suất vẫn ở mức cao. Thậm chí nếu cần, Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất lên cao hơn do lạm phát có thể giảm chậm trong khi nền kinh tế chỉ có những dấu hiệu suy yếu tạm thời.

Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của loại tài sản không sinh lãi như vàng, điều đó đẩy giá vàng xuống thấp hơn, dù kim loại quý được coi là hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn kinh tế. Việc vàng không thể duy trì trên mức cao kỷ lục trước đó cũng đã phần nào làm lung lay niềm tin của giới đầu tư.

Giá vàng trong nước ghi nhận đỉnh lịch sử của vàng trang sức, tăng lên mức 56,55-57,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), trước khi giảm 100.000 đồng/lượng vào phiên đóng cửa chiều ngày 16/5.

Giá vàng SJC loại miếng cũng quay đầu đi xuống vào cuối phiên. Chốt phiên 16/5, giá vàng miếng SJC giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với kết phiên giao dịch chiều 15/5.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 16/5:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,55 – 67,17 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,50 – 67,10 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,55 – 67,08 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 56,05 – 57,15 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 56,37 – 57,32 triệu đồng/lượng.

Giá vàng sẽ tăng lên 2.100 USD hay xuống 1.900 USD?

Giá vàng đang hướng tới một phạm vi rộng từ 1.900 USD đến 2.100 USD, với các nhà đầu tư ETF "thức dậy" trước nguy cơ suy thoái kinh tế mới, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ).

Thời gian qua, dù giá vàng đạt mức cao kỷ lục, nhưng Chỉ số RSI không cho thấy mức mua quá mức. Các chiến lược gia hàng hóa của ANZ, Daniel Hynes và Soni Kumari cho rằng, giá vàng phải phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng là 2.062 USD để thấy một bước tiến đáng kể khác cao hơn. “Việc vượt qua mức này có thể kích hoạt hoạt động mua kỹ thuật mới và giá có thể giao dịch trong lãnh thổ không thông lệ là 2.100 USD/ounce. Đồng thời, bất kỳ tâm lý diều hâu nào của Fed đều có thể kích hoạt một đợt bán tháo xuống còn 1.900 USD", Hynes và Kumari viết.

ANZ dự đoán, giá vàng sẽ đạt 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.200 USD/ounce trong nửa cuối năm sau. Theo các chuyên gia ANZ, bất kỳ sự giảm giá nào cũng sẽ được các nhà đầu tư coi là cơ hội mua.

Một động lực mới quan trọng là nhu cầu ETF, cuối cùng đã công nhận giá trị của vàng trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế mới.

Các chiến lược gia cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền ETF vàng sẽ chuyển biến tích cực trong thời gian còn lại của năm nay”. "Các vấn đề của ngành ngân hàng Mỹ, lãi suất tăng cao và sự không chắc chắn xung quanh trần nợ đang làm giảm triển vọng kinh tế và thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng"

Mặc dù, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã trấn an thị trường rằng, hệ thống ngân hàng Mỹ là "lành mạnh và kiên cường", nhưng lo ngại về rủi ro lây lan vẫn chi phối mọi giao dịch.

Fed gần đây đã tiết lộ rằng, khoảng 722 ngân hàng Mỹ đã báo cáo khoản lỗ chưa thực hiện hơn 50% vốn vào cuối quý III/2022. Điều này có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tăng phân bổ chiến lược vào vàng để đa dạng hóa rủi ro. Các quỹ ETF vàng nắm giữ đã tăng ròng 56 tấn kể từ cuộc khủng hoảng Ngân hàng Thung lũng Silicon.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, với nhiều nhà phân tích định giá một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm nay. Thêm vào đó, căng thẳng Mỹ-Trung và hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương đang thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng. Theo ANZ, các thị trường mới nổi đang tích trữ kim loại quý như một cách để tránh các lệnh trừng phạt, đồng thời lưu ý rằng, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những người mua vàng hàng đầu trong thập kỷ qua.