Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/7/2023
Giá vàng thế giới biến động nhẹ sau phiên tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 3 tuần vào ngày 12/7, từ khi báo cáo lạm phát của Mỹ cho thấy tình hình kinh tế '"hạ nhiệt", đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm, thúc đẩy hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng chu kỳ nâng lãi suất sớm hơn. Nhờ đó giá vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 6 tăng nhẹ - 0,2% so với tháng trước đó và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Thị trường vàng không có nhiều phản ứng đối với các con số lạm phát khi một số nhà đầu tư đã quyết định chốt lời sau đột phá về giá này.
Ghi nhận của TG&VN vào 20g50 ngày 13/7 (giờ Việt Nam), sau nhiều phiên tăng mạnh mẽ, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tại 1.959,40 USD/ounce tăng 2,1 USD so với phiên giao dịch liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 được giao dịch lần cuối ở mức 1.958,10 USD/ounce, giảm 0,18% trong ngày.
Giá vàng hôm nay 14/7/2023: Giá vàng tăng vọt, xuất hiện hoạt động chốt lời, Nga xác nhận về một loại bản vị vàng mới. (Nguồn: Kitco News) |
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng ở mức thấp nhất trong hơn một tuần, giúp giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Nhà phân tích Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money cho biết, chỉ còn hai tuần nữa là đến cuộc họp tiếp theo của Fed và với dữ liệu cho thấy có ít việc làm được tạo thêm trong tháng trước và lạm phát đang chậm lại trong tháng 6, nhiều người kỳ vọng rằng lần tăng lãi suất tiếp theo có thể là lần cuối cùng.
Giá vàng trong nước đã chứng kiến tăng từ đầu phiên đến cuối phiên, với mức tăng trong khoảng 70.000 - 150.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc. Chênh lệch giá bán vàng vẫn duy trì ở mức 600.000 đồng/lượng.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank: 1 USD = 23.860 VND, giá vàng thế giới tương đương 55,59 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 11,61 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 13/7.
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,75 – 67,37 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,70– 67,35 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45– 67,05 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,70 – 67,20 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,77 – 67,33 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 56,11 – 56,96 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,50 – 56,70 triệu đồng/lượng.
Nga xác nhận một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng?
Chính phủ Nga mới đây đã xác nhận, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, còn được gọi là các quốc gia BRICS, sẽ giới thiệu một loại tiền tệ giao dịch mới được hỗ trợ bởi vàng. Thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tại Nam Phi.
Tin tức mới nhất đang tạo thêm động lực mới cho xu hướng phi USD hóa đang diễn ra trên toàn cầu. Kể từ giữa năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua vàng với tốc độ lịch sử một phần để đa dạng hóa nguồn dự trữ của họ, đồng thời nỗ lực rời khỏi đồng USD.
Đối với nhiều nhà phân tích, một loại tiền tệ được hỗ trợ bằng vàng là bước phát triển tiếp theo trong quá trình này. Nhiều nhà phân tích đã coi việc mua vàng gần đây của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm mang lại uy tín quốc tế cho đồng Nhân dân tệ.
Đồng thời, việc chính phủ Mỹ vũ khí hóa đồng USD trong cuộc cạnh tranh với Nga đã tạo ra một số bất ổn địa chính trị giữa một số quốc gia liên minh với Nga.
Mặc dù triển vọng về một loại tiền tệ BRICS được hỗ trợ bằng vàng sẽ hỗ trợ đáng kể cho vàng, nhưng một số nhà phân tích cho rằng sẽ còn phải mất một khoảng thời gian dài trước khi tác động được cảm nhận trên thị trường.
Chuyên gia Thorsten Polleit, nhà kinh tế trưởng tại Degussa, nhận định, dù đây là một bước đi đúng hướng của BRICS, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để mọi thứ trở thành hiện thực. “Thoạt nhìn, một đơn vị giao dịch mới, được hỗ trợ bằng vàng, nghe có vẻ giống như một khoản tiền tốt – và trước hết, nó có thể là một thách thức lớn đối với quyền bá chủ của đồng USD”.
Tuy nhiên, Polleit nói thêm, "để tạo ra loại tiền tệ mới tốt như vàng, một loại tiền tệ thực sự lành mạnh, nó phải được chuyển đổi thành vàng ngay khi được yêu cầu. Tôi không chắc, liệu đây có phải là điều mà Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang nghĩ đến hay không".
"Sử dụng vàng làm tiền sẽ là một yếu tố thay đổi "cuộc chơi" thực sự, không nghi ngờ gì về điều đó. Nó có thể là một cú sốc đối với hệ thống tiền định danh toàn cầu. Tôi không chắc đây là điều mà BRICS mong muốn đạt được", Chuyên gia Thorsten Polleit phân tích.