Cập nhật diễn biến Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan không ngại kinh tế bết bát nhờ ‘cuộc hôn nhân thực dụng’

 

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất được mong đợi của họ đã tăng 0,1% trong tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. Dữ liệu yếu hơn dự kiến, với các dự báo trước đó về mức tăng 0,2%. Báo cáo cho biết, trong 12 tháng qua, giá tiêu dùng đã tăng 4,0% trong tháng trước, tiếp tục xu hướng điều tiết. Các nhà kinh tế đã mong đợi mức tăng 4,1%. Lạm phát tăng chậm nhất trong gần hai năm.

Giới đầu tư cũng đang chờ quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dự báo, thị trường kim loại quý có thể sẽ có những biến động đáng kể sau khi Chỉ số CPI của Mỹ đã rõ ràng. Tuy nhiên, trong khi vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, thì lãi suất cao lại gây áp lực lên thị trường vàng vì nó làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không mang lãi suất.

Thị trường vàng đã thu hút một số động lực tăng giá trong phản ứng ban đầu với dữ liệu lạm phát mới nhất; tuy nhiên, lạm phát cơ bản cao liên tục đang kìm hãm đà phục hồi. Các chuyên gia cho rằng, hướng đi tiếp theo của vàng sẽ phụ thuộc phần lớn vào quyết định chính sách của Fed vào cuối ngày 14/6 và quyết định đó sẽ được đưa ra dựa vào dữ liệu lạm phát vừa được công bố.

Giá vàng hôm nay 14/6/2023: Giá vàng
Giá vàng hôm nay 14/6/2023: Giá vàng thiếu chất xúc tác để 'lấp lánh', nhu cầu vàng của Trung Quốc giảm vì sao? (Nguồn: Kitco)

Phân tích thị trường, chuyên gia Michael Langford, Giám đốc Công ty Tư vấn doanh nghiệp AirGuide, cho hay, thị trường dù đang chờ đợi công bố Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) và cuộc họp của Fed để xác định rõ ràng hơn về xu hướng giá vàng. Tuy nhiên, vẫn thiếu chất xúc tác để vàng “lấp lánh” hơn các tài sản khác bất chấp quyết định chính sách của Fed ra sao. Dù triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ suy yếu có thể hỗ trợ giá vàng.

Theo dự báo của các nhà kinh tế, CPI tháng 5/2023 của Mỹ dự kiến sẽ cho thấy mức tăng lạm phát chậm lại, từ 4,9% trong tháng 4/2023 xuống 4,1%. Mặc dù vàng được xem là tài sản đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát, song lạm phát cao hơn gây sức ép lên tài sản không sinh lời như vàng.

Hiện các nhà giao dịch và hầu hết các ngân hàng lớn tại Phố Wall nhận thấy, 76% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất không đổi vào ngày 14/6, theo CME FedWatch tool. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tốt hơn của Mỹ vào tuần trước đã củng cố khả năng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất khác trong tuần này.

Giá vàng trong nước gần như đi ngang trong phiên 13/6. Giá vàng SJC được dự báo có thể sẽ có những biến động đáng kể theo giá thế giới vào hôm nay, sau khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố vào đêm 13/6.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 13/6:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,45– 67,05 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45– 67,05 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,45 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,47 – 67,03 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,58 – 56,43 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,25 – 56,25 triệu đồng/lượng.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank sáng 13/6: 1 USD = 23.640 VND, giá vàng thế giới tương đương 56,04 triệu đồng/lượng, thấp hơn 11,06 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra.

Dự báo giá vàng?

Ngân hàng ANZ cho hay nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng hàng đầu, đang giảm xuống do tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu theo mùa ảm đạm. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trước đó, Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng trong tháng thứ 7 liên tiếp. Bắc Kinh đã tăng nắm giữ vàng khoảng 16 tấn trong tháng 5/2023, theo dữ liệu từ PBoC công bố ngày 7/6. Tổng kho dự trữ của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 2.092 tấn, sau khi bổ sung tổng cộng 144 tấn trong giai đoạn từ tháng 11/2022 đến tháng 5/2023, theo Bloomberg.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã mua một lượng vàng kỷ lục vào năm 2022. Các quốc gia tăng cường dự trữ kim loại quý này trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng và lạm phát toàn cầu tăng cao.

Nhà phân tích Rupert Rowling của Công ty Tư vấn đầu tư Kinesis Money cẩn trọng lưu ý thị trường đang giao dịch vàng với giả định rằng, lãi suất của Mỹ sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại. Bất kỳ đợt tăng nào cũng có khả năng khiến kim loại quý này lao dốc xuống mức 1.900 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA cho biết, việc tạm dừng tăng lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực đối với vàng. Ngược lại, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed vẫn tích cực trong thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ đồng nghĩa với việc vàng sẽ bị bán tháo mạnh.

Nigel Green, Giám đốc điều hành và người sáng lập của deVere Group, cho biết mặc dù lạm phát đang đi đúng hướng và có xu hướng thấp hơn, nhưng nó vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương. “Lạm phát chắc chắn đang giảm cho đến nay, nhưng nó rất, rất từ từ. Nó vẫn còn dính và còn lâu mới đạt được mục tiêu 2%, phần lớn là do thị trường lao động thắt chặt. Do đó, các nhà đầu tư cần chuẩn bị tinh thần cho ít nhất một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay, ngay cả khi Fed bỏ qua đợt này”, chuyên gia Nigel Green nhận định.