Giá vàng hôm nay 14/2: Giá vàng tăng trở lại ngày Valentine, Fed buộc phải có lập trường vững vàng trước lạm phát?

Giá vàng hôm nay 14/2, đón ngày Lễ Tình nhân bằng một kỳ vọng lên giá nhẹ nhàng. Trong khi đó, giá vàng thế giới đã tăng tới 67,4 USD/ounce chỉ trong nửa tháng. Nỗi sợ hãi và biến động đã đẩy giá vàng vượt ngưỡng kháng cự quan trọng và tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn trong những ngày tới.
Giá vàng hôm nay 14/2: Giá vàng tăng ngày Valentine
Ngày Lễ Tình nhân (Valentine), dự báo thị trường vàng trang sức, quà tặng có thể được hưởng lợi bởi nhu cầu có thể sẽ tăng mạnh hơn. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 14/2

Thị trường vàng trong nước mở đầu tuần mới sau một tuần biến động mạnh nhất trong khoảng một năm qua. Giá vàng miếng SJC lập đỉnh 63,7 triệu đồng nhưng lập tức đảo chiều giảm 1 triệu, rồi lại bật ngược lên, khiến chênh lệch mỗi lượng vàng có lúc lên hơn 1,6 triệu.

Giá vàng "nhảy múa" với nhiều diễn biến khá bất ngờ, không hoàn toàn giống như xu hướng biến động của các năm gần đây. Nhìn chung giá vàng tuần qua tăng, nhưng các đơn vị kinh doanh kim loại quý trong nước chỉ điều chỉnh tăng nhẹ ở chiều mua vào và tăng mạnh ở chiều bán ra. Điều này khiến chênh lệch mua vào và bán ra vốn đã cao, nay lại bị nới rộng hơn nữa. Chính vì vậy, người mua vàng có thể đã lỗ khoảng 800.000 đồng/lượng chỉ sau 1 tuần đầu tư dịp đầu năm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người tiêu dùng và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, hôm nay là ngày Lễ Tình nhân (Valentine), dự báo, không phải vàng SJC mà thị trường vàng trang sức, quà tặng mới có những biến động mạnh, bởi nhu cầu có thể sẽ tăng mạnh hơn.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 11/2), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 61,65 – 62,37 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 61,40 – 62,25 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,65 – 62,35 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 61,65 – 62,35 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,66 – 62,34 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,81 – 53,56 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,25 – 53,45 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất?

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá vàng thế giới giao ngay trên Kitco đã bảo vệ vững chắc đà tăng bằng phiên chốt tuần tăng rất mạnh tới 32,4 USD so với phiên giao dịch liền trước, lên 1.859,0 USD/ounce.

Ghi nhận tuần thứ 2 tăng mạnh trên thị trường thế giới, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá vàng đã tăng tới 67,4 USD/ounce. Nỗi sợ hãi và sự biến động đã đẩy giá vàng vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng lên trên 1.850 USD/ounce và chốt tuần ở mức 1.859 USD/ounce - mức cao nhất trong 3 tháng.

Giá vàng tuần qua tăng mạnh được cho là bởi căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới liên tục leo thang. Kim loại quý cũng vì thế phát huy vai trò hầm trú ẩn an toàn, khi mà lạm phát tại nhiều nền kinh tế liên tục tăng. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm sau khi đạt mức cao nhất 2% lần đầu tiên trong gần 3 năm vào phiên trước đó.

Lạm phát ở Mỹ hiện ghi nhận ở mức 7,5% - mức cao nhất trong 40 năm. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, điều này có nghĩa là sẽ thua lỗ nhiều hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái tích cực hơn đối với thị trường. Nhưng với vàng, nhu cầu được dự báo sẽ tăng mạnh hơn khi các nhà đầu tư chuyển sang sử dụng kim loại quý để bảo vệ tài sản. Mọi con mắt hiện đang đổ dồn về phản ứng của Fed về lãi suất và các chính sách tài chính mà nền kinh tế số 1 thế giới sẽ áp dụng trong thời gian tới.

Dữ liệu cho thấy, giá tiêu dùng tại Mỹ leo thang đã làm gia tăng áp lực buộc Fed phải có lập trường vững vàng hơn để chống lạm phát. Thực tế là sự bất ổn của thị trường sẽ không sớm biến mất, nhưng căng thẳng địa chính trị đã như đổ thêm dầu vào lửa, đặc biệt từ cảnh báo từ Mỹ rằng Nga có thể tiến hành hành động quân sự ở Ukraine "bất kỳ ngày nào" và khuyến nghị tất cả công dân Mỹ rời Ukraine trong 48 giờ. Tin tức này đã tạo ra một số áp lực bán ra đáng kể trên thị trường chứng khoán, với chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giao dịch giảm hơn 500 điểm hoặc 1% trong ngày. Trong khi đó, giá vàng trong ngày tăng hơn 1%, giao dịch cuối cùng ở mức 1.863,80 USD/ounce.

Theo chuyên gia Chris Gaffney của Ngân hàng TIAA, vàng đang ghi nhận một số dòng vốn trú ẩn an toàn chảy vào khi thị trường đối mặt với rủi ro địa chính trị và lo ngại về tác động của sự leo thang giá cả đối với tăng trưởng toàn cầu.

Nhà phân tích thị trường tại Công ty Dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ) Edward Moya cho rằng, giá vàng có thể tăng vượt mức 1.900 USD/ounce nếu xung đột xảy ra. Việc giá được giữ vững trên mốc 1.800 USD đã củng cố niềm tin của nhiều nhà phân tích vào thị trường vàng.

Cũng có cái nhìn tích cực về giá vàng, David Madden, Chuyên gia phân tích thị trường tại Equiti Capital, cho biết lý do là diễn biến trên thị trường chứng khoán đang ủng hộ đà tăng của kim loại quý này. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, giá vàng sẽ không bứt phá lên trên 1.850 USD/ounce trong thời gian ngắn do kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed cũng đang hỗ trợ đồng USD.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế lưu ý rằng, vàng sẽ gặp nhiều trở ngại khi Fed mạnh tay hơn trong việc siết chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lại mối đe dọa lạm phát ngày càng gia tăng. Thị trường hiện đang dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 3 và cơ quan này có khả năng thực hiện 5 đợt tăng lãi suất trong năm nay.