Giá vàng hôm nay 14/1, Giá vàng tiếp tục chinh phục đỉnh cao, áp lực lạm phát đã tới điểm báo động?

Giá vàng hôm nay 14/1 giao dịch vững vàng trên ngưỡng tâm lý 1.800 USD/ounce, tiếp tục vật lộn với mốc 1.820 USD/ounce trong bối cảnh áp lực lạm phát có thể đang lên đến đỉnh điểm. Không dao động lên xuống nhiều như thế giới, vàng SJC trong nước không ngừng điều chỉnh tăng trở lại, hướng tới các đỉnh cao mới.
Giá vàng hôm nay 14/1, lạm phát
Giá vàng hôm nay 14/1 đang "chiến đấu" để giữ mức giá quan trọng tiếp theo - 1.820 USD/ounce. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng trong nước 14/1

Thị trường trong nước không ngừng điều chỉnh tăng trở lại tại các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc mặc những biến động lên xuống của thị trường thế giới. Công ty VBĐQ Sài Gòn và hệ thống PNJ đồng loạt điều chỉnh giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra và lần lượt 50.000 đồng đến 120.000 đồng ở chiều mua vào.

Cùng giữ nguyên giá bán, nhưng cả Tập đoàn Doji và Phú Quý đều điều chỉnh giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Giá vàng tại hệ thống Bảo tín Minh Châu ít biến động nhất, khi ghi nhận giá bánkhông thay đổi và giá mua chỉ điều chỉnh tăng 10.000 đồng/lượng.

Giá niêm yết tại phiên chốt cuối ngày 13/1 như sau, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 61,05 – 61,72 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,95 – 61,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,13 – 61,60 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 61,12 – 61,65 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,13 – 61,57 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng đi lên của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,66 – 53,31 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,10 – 53,20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới giữ ngưỡng quan trọng 1.820 USD

Giao dịch ổn định trên ngưỡng tâm lý 1.800 USD/ounce, giá vàng thế giới đang nhận được sự hỗ trợ của giá dầu, chỉ số USDX và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ. Giá vàng lại đang "chiến đấu" để giữ mức giá quan trọng tiếp theo - 1.820 USD/ounce, khi có vẻ như áp lực lạm phát đang lên đến đỉnh điểm với giá sản xuất giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 12.

Ghi nhận của TG&VN vào lúc 4h50 ngày 14/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang dao động lên xuống liên tiếp trong biên độ hẹp, hiện đang giảm 3 USD (0,16%) so với chốt phiên liền trước, giao dịch tại 1.823,5 USD/ounce. Trong những phiên trước, có thời điểm giá vàng lên tới 1.827,92 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 5/1, nhưng có lúc lại giảm về sát ngưỡng 1.820 USD/ounce.

Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã về ngưỡng 1,75%, từ mức đỉnh của 2 năm trên 1,8% vào đầu tuần này, trong khi chỉ số USDX giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, tụt dưới 95 điểm.

Số liệu lạm phát tháng 12 của Mỹ công bố ngày12/1 không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, ghi nhận mức tăng lạm phát hàng năm lớn nhất trong gần 4 thập kỷ, dẫn tới không có thay đổi gì trong kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), rằng lãi suất sẽ bắt đầu tăng lãi suất sớm vào tháng 3. Chưa khi nào con số lạm phát so với cùng kỳ năm trước ở Mỹ lại cao đến như vậy, đồng USD vì thế xuống giá, giúp vàng có cơ hội đi lên. Ngoài ra, lạm phát tiếp tục “nóng” cũng khuyến khích nhu cầu nắm giữ vàng.

Vàng được coi là công cụ phòng trừ lạm phát leo cao, nhưng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ. Bởi vậy khi lãi suất tăng cao, làm tăng chi phí cơ hội, sẽ khiến nhà đầu tư cảm thấy vàng kém hấp dẫn.

Thị trường thế giới đang tạo ra nhiều nhận định khác nhau, trong khi Peter Mooses, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho rằng, bất ổn về kinh tế do đại dịch và biến động tại các thị trường lớn hơn dường như đang hỗ trợ cho kim loại quý.

Giám đốc giao dịch kim loại David Meger thuộc High Ridge Futures nhận định áp lực lạm phát sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong những tuần tới đây.

Ross Norman, một nhà phân tích độc lập lại cho rằng, "Vàng thể hiện hơi gây thất vọng, vì đồng USD giảm sâu nhưng kim loại quý không thể vượt mốc 1.835 USD/ounce, sau khi dữ liệu lạm phát được công bố",

Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered lại nhận định, giá vàng đã bám trụ “khá tốt” ngay cả khi thị trường dự báo Fed sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên vào tháng 3. “Lịch sử cho thấy, giá vàng thường sớm phản ánh việc tăng lãi suất. Diễn biến giá vàng gần đây cho thấy giá đã phản ánh những trở ngại lãi suất và phạm vi tăng giá của đồng USD trong ngắn hạn”.

Lạm phát đã đến mức báo động?

“Vàng có thể là một nơi tốt để giữ tiền vì lợi suất trái phiếu sẽ không tăng nhiều nữa cho tới khi thị trường biết rõ về việc Fed cắt giảm giá trị bảng cân đối kế toán. Mà việc đó thì phải ít nhất 2 cuộc họp nữa của Fed mới rõ được”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda viết trong một báo cáo.

Chuyên gia tại Ngân hàng thương mại Hoàng gia Canada (CIBC) - Katherine Judge nhận định dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy Fed tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3/2022 và tăng 4 lần trong năm này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng đang có cơ hội tiếp tục đi lên trong bối cảnh giới đầu tư tài chính không mấy kỳ vọng USD tăng giá vì việc Fed tăng lãi suất đã được thị trường "tiêu hóa" từ nhiều tháng trước. Điều mà họ quan tâm lúc này là giá hàng hóa còn gia tăng, lạm phát tại Mỹ tiếp tục đi lên. Từ đó, nhiều người thôi nắm giữ USD khiến đồng tiền này tiếp nối đà giảm giá.

Đồng USD suy giảm sau khi Chủ tịch Fed có phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ. Một điểm đáng chú ý trong phiên điều trần là Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết quyết tâm không để tình trạng lạm phát cao kéo dài. Đây là một tín hiệu cho thấy lạm phát đã lên mức báo động?

MINH ANH