Lúc 1h00 ngày 13/8 (giờ Việt Nam), trên sàn Kitco, giá vàng giao dịch tại 1.751,7 - 1.752,7 USD/ounce, điều chỉnh nhẹ 0,1 USD, sau nhiều phiên lên xuống quanh ngưỡng 1.750 USD. (Nguồn: Bloomberg) |
Biến động giá vàng hôm nay 13/8
Giá vàng thế giới dần hồi phục sau một đợt lao dốc mạnh, khi Mỹ công bố lạm phát đúng như dự báo của thị trường. Tuy nhiên, ngay lập tức giá vàng có dấu hiệu giảm trở lại sau quyết định bán tháo chốt lời hàng loạt của giới đầu tư và đồng USD hồi phục - mạnh lên mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi đã tác động tiêu cực tới vàng. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ cũng tăng lên mức 1,369%/năm.
Ghi nhận của TG&VN lúc 1h00 ngày 13/8 (giờ Việt Nam), trên sàn Kitco, giá vàng giao dịch tại 1.751,7 - 1.752,7 USD/ounce, điều chỉnh nhẹ 0,1 USD, sau nhiều phiên lên xuống quanh ngưỡng 1.750 USD.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC ngày 12/8 bất ngờ tăng trở lại ở đầu phiên và đà tăng tiếp tục duy trì tại nhiều nơi vào cuối phiên. Một số doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý trong nước trở lại thị trường sau nhiều phiên khá trầm lặng. Chốt phiên duy trì đà tăng vừa phục hồi, giá vàng SJC tại một số thương hiệu lớn đã tăng trong khoảng 50.000 - 200.000 đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty VBĐQ Sài Gòn điều chỉnh giá vàng SJC tăng đồng loạt 200.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và bán ra tại hai chi nhánh Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, hiện niêm yết tại 56,40 - 57,10 và 57,12.
Tại Tập đoàn Phú Quý và hệ thống PNJ, giá vàng SJC mua vào - bán ra tăng lần lượt 100.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng. Hiện hai thương hiệu này niêm yết tại:
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,40 - 57,40 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,40 - 57,10 triệu đồng/lượng.
Riêng Tập đoàn Doji và Bảo tín Minh Châu, nhiều địa điểm kinh doanh vẫn nằm trong vùng giãn cách xã hội tại các khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm, giá vàng trên bảng điện tử vẫn không có sự thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn đứng giá trong nhiều ngày nay.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,15 - 57,70 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu Bảo tín Minh Châu giá vàng SJC vẫn niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Vàng sẽ chịu áp lực lạm phát?
Trong trường hợp tâm lý thị trường đối với vàng vẫn còn dao động, chẳng hạn, chỉ một báo cáo việc làm cực kỳ mạnh mẽ đã làm thay đổi tâm lý thị trường. Tâm lý thị trường một lần nữa đang từ từ chuyển trở lại trạng thái nửa vời. Sự thay đổi tâm lý thị trường này đã chuyển từ cực kỳ giảm sang tăng một cách thận trọng.
Với mức lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh như hiện tại, nhiều dự báo cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ xem khả năng không tăng lãi suất. Fed có thể không cần phải tăng lãi suất để duy trì đà hồi phục bền vững của nền kinh tế. Đây là một tín hiệu tốt đối với vàng.
Vàng vẫn được coi là hàng rào chống lại lạm phát cao hơn. Nhưng nó rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, trong khi thúc đẩy đồng USD.
Trên thực tế, số liệu được công bố vào ngày 11/8 cho thấy, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng chậm lại trong tháng 7, mặc dù vẫn ở mức cao nhất trong 13 năm qua so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Kyle Rhoda, chuyên gia phân tích tại IG Market, “Kết quả này đã làm giảm phần nào khả năng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế đà tăng nhanh của lạm phát. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá của vàng có khả năng còn đeo bám.”
Trong khi đó, ngày càng nhiều quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ thảo luận về cách thức và thời điểm họ nên bắt đầu giảm thu mua tài sản khổng lồ. Dù thị trường lao động phục hồi là một tiêu chí quan trọng để Fed thu hồi chương trình mua tài sản và tăng lãi suất, cơ quan này coi áp lực lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời.
Vào thời điểm hiện tại, giới đầu tư còn lo ngại về chủng Covid-19 mới đang đe dọa làm chậm sự hồi phục của kinh tế thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Vàng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất
Vàng dường như đang ở trong tình trạng khó khăn, đã giảm 12% kể từ tháng 8 năm ngoái khi kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.050 USD/ounce. Nhưng một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất nước Mỹ - Wells Fargo lại cho biết, họ không không thấy bất ngờ với hoạt động kém hiệu quả này của vàng trong thời gian qua.
Vàng đã có 12 tháng khó khăn, ít nhất là trên cơ sở tương đối. Chỉ số Hàng hóa trung bình (theo Bloomberg) tăng 34% kể từ tháng 8/2020, trong khi giá vàng giao ngay giảm 12%. Điều này không làm chúng tôi thấy bất ngờ?, "John LaForge, Trưởng Bộ phận chiến lược tài sản thực của Wells Fargo cho biết.
Chu kỳ tăng giá của hàng hóa thường được biết đến với "cơ chế luân phiên", có nghĩa là xu hướng tăng giá ở một loại hàng hóa này có thể được thay thế bằng xu hướng tăng giá mạnh mẽ hơn ở một loại hàng hóa khác trong một chu kỳ. Đây chính xác là những gì đã xảy ra, chuyên gia LaForge đã nhận định như vậy trong một báo cáo.
Ông viết: “Giá vàng giao ngay là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất trong nửa đầu năm 2020. Kể từ đó, nó đã giảm nhẹ và "nhường quyền lãnh đạo" cho các mặt hàng như dầu và đồng. Vàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục vị trí dẫn đầu trong chu kỳ tăng giá hiện tại, LaForge nói thêm. Và tia sáng đằng sau đợt phục hồi mới của vàng rất có thể sẽ là Trung Quốc.
"Hoạt động mua vào của Trung Quốc trong vài tháng qua đặc biệt gây chú ý. Trong ba tháng qua, nhập khẩu vàng của Trung Quốc đại lục qua Hongkong đã tăng từ 38 tấn/tháng lên 154. Đây là một hiện tượng rất đáng chú ý, cho thấy, lượng mua vàng của Trung Quốc tăng lên lần đầu tiên sau một thập kỷ.
Tất nhiên, ngoài yếu tố Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, một số yếu tố kinh tế vĩ mô khác đang đảm bảo sự phục hồi của vàng trở lại mức cao kỷ lục. "Vàng có nhiều thứ để đạt được điều đó, từ lãi suất thực âm đến nới lỏng định lượng, cho đến một siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa mới. Có vẻ như tất cả những yếu tố để giá vàng tăng đã hội tụ đủ", chuyên gia LaForge lưu ý.
MINH ANH