Giá vàng hôm nay 13/8: Giá vàng lình xình, tiền 'đổ bộ' vào thị trường mới, khẩu vị rủi ro sẽ giúp vàng thay đổi 'cuộc chơi'?

Giá vàng hôm nay 13/8 trong đà ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp nhờ đồng USD giảm. Bất chấp khẩu vị rủi ro của giới đầu tư thay đổi, dòng tiền chuyển dịch qua các kênh như chứng khoán, tiền ảo, giá kim loại quý vẫn trụ vững trên đỉnh 1 tháng.
Giá vàng hôm nay 13/8
Giá vàng hôm nay 13/8: Giá vàng lình xình, tiền 'chảy' qua tiền điện tử, khẩu vị rủi ro sẽ giúp vàng thay đổi 'cuộc chơi'? (Nguồn: CNBC)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 13/8

Bất chấp khẩu vị rủi ro của giới đầu tư thay đổi, dòng tiền chuyển dịch qua các kênh như chứng khoán, tiền ảo, giá kim loại quý vẫn trụ vững trên đỉnh 1 tháng. Đến thời điểm hiện tại, giá vàng vẫn trong đà ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp nhờ đồng USD giảm.

Đến 20h ngày 12/8, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.794,0 - 1.795,0 USD/ounce, tăng 4 USD so với phiên giao dịch liền kề.

Tại thị trường châu Á, giá vàng tăng trong phiên chiều 12/8, trong xu thế hướng tới tuần tăng thứ tư liên tiếp, do đồng USD suy yếu do áp lực từ lợi suất trái phiếu tăng cao và triển vọng lãi suất Mỹ sẽ tăng.

Cụ thể, vào khoảng 14h (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.792,29 USD/ounce và tăng gần 1% từ đầu tuần đến nay, qua đó hướng tới chuỗi tuần tăng dài nhất trong gần một năm. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,1% lên 1.808,50 USD/ounce.

Trong nước, chốt phiên giao dịch chiều 12/8, giá vàng SJC chốt phiên chiều nay được niêm yết ở mức 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,32 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng quanh ngưỡng 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy so với phiên hôm qua, giá vàng hôm nay tại Doji được điều chỉnh tăng 250 nghìn đồng/ lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều ngày 12/8:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,30 – 67,32 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,35 – 67,35 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,35 – 67,35 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,40 – 67,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,35 – 67,29 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,73 – 53,48 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,20 – 53,30 triệu đồng/lượng.

Những dấu hiệu tích cực cho vàng dần xuất hiện

Các nhà đầu tư đã giảm tỷ lệ đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong kỳ họp tháng 9 tới, sau khi dữ liệu hôm thứ Tư (10/8) cho thấy giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 7 không thay đổi, và dữ liệu hôm thứ Năm (11/8) cho thấy giá sản xuất Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 7, giữa bối cảnh giá năng lượng hạ nhiệt.

Các nhà giao dịch hiện đang nhận định, có 66% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 và 34% khả năng tăng 75 điểm cơ bản.

Bà Mary Daly, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại San Francisco, cho rằng có khả năng Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tới, và bà để ngỏ khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát leo thang.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm trong khi USD giảm so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt khi các nhà giao dịch điều chỉnh lại dự báo trên cơ sở nhận định lạm phát của Mỹ - cao nhất trong vòng hàng thập kỷ - có thể đã đạt "đỉnh".

Karl Schamotta, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc công ty Corpay, cho biết: "Nhu cầu đối với những tài sản ‘rủi ro’ tăng trở lại khi triển vọng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ".

Chuyên gia này cho rằng, Fed còn rất xa mới tuyên bố chiến thắng" trong cuộc chiến với lạm phát.

Nhà phân tích Schamotta cho biết: "Nới lỏng các điều kiện tài chính là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu và các quan chức Fed không muốn đi ngược với chính sách này".

Dữ liệu mới đây nhất cho thấy, giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng Bảy trong bối cảnh chi phí cho các sản phẩm năng lượng giảm và lạm phát nhìn chung đang có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp bất chấp thị trường lao động vẫn thắt chặt.

USD yếu đi và các nhà đầu tư cho rằng với các chỉ số lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ không tăng mạnh lãi suất nữa là lý do có thể khiến giá vàng bật tăng.

Đồng USD giảm so với các đồng tiền đối thủ, nhờ đó giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA nhận thấy: "Lạm phát hạ nhiệt một chút đã hỗ trợ đà tăng của vàng lên 1.800 USD. Nhưng các tài sản rủi ro nhanh chóng được ưa chuộng hơn và sự phục hồi của vàng bị kìm hãm. Nếu khẩu vị rủi ro giảm dần trong vài tuần tới, vàng sẽ tăng vượt 1.800 USD/ounce”.

Dòng tiền đang "chảy" vào thị trường tiền điện tử

Thống kê của Coinshare chỉ ra, tuần này là tuần thứ 6 liên tiếp chứng kiến dòng tiền "chảy" vào thị trường tiền điện tử với tổng số tiền lên đến 529 triệu USD, riêng tuần qua đạt 3,1 triệu USD.

Sau khi CPI tại Mỹ, thước đo lạm phát, được công bố, thị trường tiền điện tử đồng loạt tăng giá. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11/8, thị trường tiền điện tử có 92/100 mã tăng điểm.

CPI trong tháng 7 của Mỹ chững lại so với tháng 6 đã khiến tâm lý của giới đầu tư được cải thiện đáng kể vì lạm phát giảm sẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất để Fed xem xét về các biện pháp siết chặt, tăng lãi suất nhanh và mạnh đang làm.

Với việc đỉnh của lạm phát đang dần lộ diện, đã khiến giới đầu tư mạnh dạn xuống tiền vào các loại tài sản rủi ro như chứng khoán và tiền điện tử.