Giá vàng hôm nay 13/12, Giá vàng khó giảm trong tuần này, lý do duy nhất có thể kéo giá đi xuống

Thị trường vàng đã chuyển sang vùng tích cực vào phiên cuối cùng của tuần trước, sau phản ứng ban đầu về thông tin CPI của Mỹ tăng 6,8% - mức tăng chưa từng thấy, lớn nhất kể từ năm 1982. Tuần này giá vàng được dự báo khó giảm.
Giá vàng hôm nay 13/12, Giá vàng
Giá vàng hôm nay 13/12, khởi động tuần mới từ mức giá 1.783,2 USD/ounce, tăng 7,6 USD so với phiên liền trước, ghi nhận tại phiên chốt sàn Kitco cuối tuần trước. (Nguồn: Getty)

Cập nhật giá vàng hôm nay 13/12

Giá vàng hôm nay 13/12, khởi động tuần mới từ mức giá 1.783,2 USD/ounce, tăng 7,6 USD so với phiên liền trước, ghi nhận tại phiên chốt sàn Kitco cuối tuần trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 giao dịch lần cuối ở 1.779,50 USD/ounce, tăng 0,18% trong ngày.

Như vậy, giá vàng đang được đẩy cao hơn, sau khi giá tiêu dùng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng mạnh hơn dự tính.

Thứ Sáu (10/12), Mỹ công bố Chỉ số Giá tiêu dùng tăng tiếp 0,8% trong tháng 11, sau khi tăng 0,9% trong tháng 10. Dữ liệu thực tế đã vượt xa các dự báo của các nhà kinh tế, với mức tăng chỉ 0,7%. Chỉ số lạm phát tăng 6,8% trở thành "mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 6/1982. Theo đó, tính chung cả năm, CPI cơ bản tăng 4,9%.

Các chỉ số trong nền kinh tế Mỹ, cho thấy, giá lương thực và năng lượng tăng nhiều nhất trong 13 năm qua. Chỉ số xăng dầu tăng 6,1% trong tháng trước, đẩy chỉ số năng lượng tăng 3,5%. Trong năm, giá năng lượng đã tăng tới 33,3%; Giá lương thực cũng tăng 0,7% trong tháng trước đẩy chỉ số lương thực tăng 6,1% trong năm.

Katherine Judge, nhà kinh tế cấp cao tại CIBC cho rằng, với lạm phát đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 6/2022. “Mặc dù tháng 12 sẽ chứng kiến ​​một số yếu tố giảm nhẹ do giá năng lượng giảm, bởi tác động xấu của biến chủng mới omicron có thể không ủng hộ sản xuất tăng trưởng, khiến lạm phát toàn phần giảm tốc. Tuy nhiên, các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn có khả năng đẩy giá hàng hóa cốt lõi trở lại khi omicron lan rộng ra toàn cầu và làm gián đoạn sản xuất.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng

Trong 2 ngày cuối tuần, bỏ qua tâm lý rụt rè, giá vàng trong nước đã tăng trở lại, đạt mức giá bán ra cao nhất 61,42 triệu đồng/ lượng. Mức giá mua vào cũng cao kỷ lục, tiệm cận 61 triệu đồng/ lượng.

Cập nhật giá vàng SJC tại các đơn vị kinh doanh lớn ở thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 10/12), như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,55 – 61,27 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,55 – 61,25 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 60,70 – 61,20 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,55 – 61,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 60,71 – 61,15 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường, các loại mặt hàng khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,77 – 52,42 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,20 – 52,30 triệu đồng/lượng.

Lý do duy nhất khiến giá vàng đi xuống

Giá vàng thế giới có xu hướng tăng nhẹ do lạm phát đã tăng trở lại, buộc Fed phải có hành động. Tuy nhiên, thắt chặt chính sách tiền tệ không có nghĩa là giá vàng lúc nào cũng giảm. Đó là nhận định của Christopher Ecclestone, người đứng đầu và là chiến lược gia khai thác mỏ của Hallgarten & Co.

“Chỉ có một lý do duy nhất khiến giá vàng đi xuống. Đó là khi các ngân hàng trung ương điều tiết để giảm lạm phát. Nhưng như chúng ta đang thấy, lạm phát tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Mỹ và Anh. Lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát và chỉ có tăng lãi suất mới kìm được lạm phát xuống”, Christopher Ecclestone phân tích.

Nhận định về tác động kinh tế của lạm phát, Ecclestone cho rằng, việc các nhà đầu tư tin tưởng Fed có thể kiểm soát được lạm phát là một sai lầm. “Một khi con quái vật lạm phát thoát ra ngoài thì sẽ mất rất nhiều công sức để đưa nó trở lại phòng giam. Cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và sẽ tác động nhiều đến các công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao như chúng ta đã chứng kiến ở những vụ vỡ bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, khi có sự đầu tư quá mức vào phát triển bất động sản”.

Theo Ecclestone, các nhà đầu tư sẽ tìm đến trú ẩn ở vàng nếu giá bất động sản giảm. “Nếu lạm phát tiếp tục tăng, mọi người tìm kiếm nơi đầu tư an toàn, đặc biệt khi giá bất động sản ngừng tăng hoặc bắt đầu đi xuống. Bất động sản là nơi trú ẩn lớn cho các nhà đầu tư trong 30 năm qua ở hầu hết các nền kinh tế phương Tây. Họ sẽ tìm kiếm nơi mà chắc chắn có được phần thắng ở cuộc chơi tiếp theo”.

Ecclestone dự báo trong năm tới vàng sẽ đạt mức 2.000 USD/ounce và sau đó leo lên mức 3.000 USD trong 4 năm tiếp theo. Ông nhấn mạnh: “Vàng cuối cùng cần phải tăng giá vì mọi người không có niềm tin vào việc giữ tiền như một phương tiện bảo vệ chính đồng tiền của họ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá vàng tăng trên mức 2.000 USD/ ounce trong 12 tháng tới. Tôi dự đoán triển vọng trong 5 năm tới giá vàng sẽ lên mức 3.000 USD/ ounce”.

Tuy nhiên, không ít người đã đánh giá quá mức tình hình, bởi mức lạm phát này hiện chưa lớn đến mức để Fed phải quyết định nâng lãi suất, nhưng cũng đủ làm giá vàng tăng nhẹ vì nhà đầu tư bắt đầu tìm đến vàng làm nơi trú ẩn.

Edward Moya, chuyên gia vàng Quỹ OANDA cho biết, báo cáo lạm phát mới nhất không quá nóng như một số người mong đợi và điều đó sẽ giữ kỳ vọng tăng lãi suất của Fed kéo sang năm 2022. Vàng đang hưởng lợi từ điều này vì tin đồn Fed sớm tăng lãi suất ngay lập tức bị xóa bỏ.