Ngân hàng Nhà nước liên tục phải bán USD ra thị trường để kìm đà tăng của tỷ giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần gần nhất (19-23/9), Công ty Chứng khoán SSI cho biết trong tuần trước, các công cụ hoạt động thị trường mở vẫn được Ngân hàng Nhà nước thực hiện để duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.
Cụ thể, trong tuần vừa qua, NHNN đã phát hành 73.800 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, tăng 65,5% so với tuần trước, qua đó rút về lượng tiền Đồng tương ứng. Lãi suất phát hành tín phiếu đạt 4,5%/năm, tăng 0,5 điểm % so với tuần trước, trong 4 ngày đầu tuần và tăng lên 5%/năm vào phiên giao dịch thứ 6.
Liên tục bán USD
Ngược lại, nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày cũng được NHNN sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình 1.000 tỷ đồng/ngày và lãi suất đạt 5,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản tạm thời cho các ngân hàng có nhu cầu.
Với diễn biến này, kết tuần, NHNN đã rút ròng tổng cộng 56.600 tỷ đồng khỏi thị trường.
Đáng chú ý, bên cạnh 34.600 tỷ đồng được rút ròng thông qua kênh thị trường mở, SSI cho biết NHNN đã rút hơn 23.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý tiền tệ đã bán ra xấp xỉ 1 tỷ USD chỉ trong tuần vừa qua.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết dù chênh lệch lãi suất VNĐ-USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể, nhu cầu nắm giữ USD trong hệ thống ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, kể từ sau quyết định nâng lãi suất điều hành, NHNN vẫn tiếp tục phải bán ra gần 1,9 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong hệ thống và kìm đà tăng của tỷ giá.
Trước đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho biết cơ quan quản lý tiền tệ đã liên tục bán USD ra thị trường từ đầu năm, ước tính đã vào khoảng 20 tỷ USD. Hiện Dự trữ ngoại hối còn lại vào khoảng 90 tỷ USD (cuối quý I Dự trữ ngoại hối đạt 110 tỷ USD).
Động thái liên tục bán USD ra thị trường của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VNĐ đang chịu áp lực tăng rất lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua công cụ tăng lãi suất.
Trong cuộc họp tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % lần thứ ba liên tiếp và phát đi thông điệp tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ giá quy đổi USD sang hầu hết loại tiền tệ khác đều tăng mạnh, trong đó có Đồng Việt Nam.
Hiện tại, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD do NHNN niêm yết đã ở mức 23.346 đồng/USD, tăng 201 đồng so với đầu năm, tỷ giá trung tâm cao nhất mà NHNN đưa ra trong nhiều năm trở lại đây.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại. Vietcombank hiện niêm yết giá mua - bán đồng bạc xanh ở mức 23.590 - 23.870 đồng/USD, cao nhất kể từ năm 2000. Tính riêng năm nay, mức tăng của đồng bạc xanh tại nhà băng này đã là 950 đồng, tương đương hơn 4,14%.
Tại hầu hết ngân hàng thương mại khác, giá bán USD hiện đạt xấp xỉ 23.900 đồng/USD, tăng hơn 4% so với đầu năm.
Trong khi giá USD trên thị trường tự do hiện ở mức 24.200 - 24.290 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 800 đồng từ đầu năm.
Tiền Đồng có thể mất giá 4-5%
Theo các chuyên gia phân tích tại VDSC, trong bối cảnh Fed vẫn muốn tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát, sức mạnh đồng USD có thể còn tăng cao trên thị trường quốc tế, từ đó tác động tiêu cực làm mất giá Đồng Việt Nam.
Cụ thể, hiện chỉ số đồng USD đang giao dịch ở mức 113,3, cao hơn 4,2% so với cuối tháng 8. Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như Fed, VDSC cho rằng đồng USD có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm nay, ở mức 120,3 điểm.
Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định chỉ số này đã suy yếu.
Trong năm nay, VDSC dự báo tiền Đồng có thể mất giá 4-5% so với đồng bạc xanh.
VDSC dự báo tiền Đồng có thể mất giá 4-5% so với USD trong năm nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại ACBS đưa ra dự báo tích cực hơn cho Đồng Việt Nam với mức mất giá dao động trong khoảng 2,5-3% so với đồng USD năm nay. Tỷ lệ này tương đương tỷ giá giao ngay tại NHNN tối đa đạt 23.700-23.750 đồng/USD.
Theo ACBS, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, Đồng Việt Nam vẫn sẽ giữ giá và ổn định vào cuối năm nhờ yếu tố lạm phát thấp, được kiểm soát dưới 4%.
Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ này cũng được hỗ trợ từ việc NHNN để giữ chênh lệch lãi suất dương giữa VNĐ và USD trên kênh liên ngân hàng.
Ngoài ra, nguồn dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào, cùng xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sẽ đảm bảo nguồn cung USD trong nước.
Trong 8 tháng từ đầu năm, hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn diễn ra sôi động và cán cân thương mại đã duy trì thặng dư hơn 3,9 tỷ USD trong tháng 8. Tổng thể cán cân thương mại từ đầu năm thặng dư hơn 5,5 tỷ USD.
Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ vẫn còn trong năm nay, nhưng có thể sẽ dịu bớt vào cuối năm nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt.
Sau 9 tháng, số liệu vốn FDI giải ngân vẫn tương đối tích cực, đạt 15,8 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.