Tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" được tổ chức sáng ngày 5/1 tại quần thể FLC Vĩnh Phúc, các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản trong nước vốn đã gặp khó khăn trong 5 năm qua, lại càng thêm trầm trọng do đại dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, dù ghi nhận sự sụt giảm vào 2 quý đầu năm 2020 nhưng thị trường bất động sản đã dần phục hồi vào quý III và IV. Tổng nguồn cung mới đạt 60.000 sản phẩm, dù chỉ tương đương 67,5% so với năm ngoái nhưng vẫn là một con số tích cực. Đồng thời, với khoảng 74.500 sản phẩm giao dịch thành công cho thấy tỷ lệ hấp thụ cũng rất cao, điển hình như tại TP. HCM (tỷ lệ hấp thụ đạt mức 80%).

Tuy nhiên, các chuyên gia có mặt tại tọa đàm đều đồng ý rằng thể chế vẫn là điểm nghẽn lớn nhất chặn đà tăng trưởng của bất động sản. Các văn bản pháp luật như Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật đầu tư,… chồng chéo, không theo kịp yêu cầu phát triển của thị trường.

Dẫu vậy, rất đáng mừng khi nghị định 148 vừa ban hành hay Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn, rộng đường cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển.

Lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế, sự cải tiến thể chế và chính sách pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định "thị trường khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, bong bóng, ngược lại sẽ bền vững hơn năm 2020".

Không những vậy, giá bất động sản năm 2021 dự báo sẽ tiếp tục tăng 10% so với năm trước.

Tuy nhiên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – GS.TS Đặng Hùng Võ cảnh báo nếu quản lý không tốt sẽ gây nên tình trạng "làm giá" bất động sản, nguy cơ bong bóng vẫn rất lớn. Vị chuyên gia này cho biết ngay thời điểm hiện tại, nhiều nhà cung cấp bất động sản đang có hàng nhưng giữ lại, không bán, chờ giá tiếp tục tăng trong vài năm tới.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) lại đề cập đến một vấn đề nan giải của thị trường bất động sản hiện tại, đó là sự lệch pha về sản phẩm.

Cụ thể, nguồn cung nhà ở cao cấp tiếp tục tăng, giá nhà tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của đa số người dân. Điều này khá tương đồng với ý kiến của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE gần đây, cho biết nhiều căn hộ vốn thuộc phân khúc bình dân nay đã được xếp vào phân khúc trung cấp, phân khúc trung cấp lại biến thành cao cấp.

"Ví dụ tỷ lệ nhà ở cao cấp của TP. HCM lên tới 80%. Các chủ đầu tư tập trung vào bất động sản cao cấp rất nhiều, một phần bởi vì đây là cách xây dựng thương hiệu uy tín rất nhanh. Tuy nhiên, chúng ta đang không hướng vào nhu cầu thực, đồng nghĩa với việc thị trường phát triển thiếu bền vững.

Có người nhận định rằng 2021 là năm của thị trường cao cấp, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, vì đó là nhu cầu thực, thị trường thực".

Cùng quan điểm với ông Châu, Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank cũng tin tưởng nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền là một trong ba phân khúc đầu tư hấp dẫn trong năm mới. Đối với chủ đầu tư, các điều kiện, chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ thông thoáng hơn nhiều so với phân khúc cao cấp. Trong khi đó, đây cũng là sản phẩm dễ bán, phù hợp phần khả năng chi trả của số đông người dân.

Ngọc Diệp

Link nguồn: https://cafebiz.vn/gia-nha-dat-2021-du-bao-se-tang-10-ong-lon-om-hang-khong-chiu-ban-con-co-hoi-nao-cho-tang-lop-binh-dan-mua-nha-20210105170423492.chn