Giá lợn giảm sâu, nông dân “treo chuồng”, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm

Tiêu thụ thịt lợn, gia cầm giảm. Người chăn nuôi đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều hộ dừng kế hoạch tái đàn, tăng đàn vì đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Ách tắc khâu lưu thông, các bếp ăn tập thể, nhà hàng đóng cửa trong thời gian giãn cách đã khiến mức tiêu thụ thịt lợn giảm đến 30%. Cá biệt, tiêu thụ gia cầm có thời điểm giảm 90 - 95% khiến giá những loại thực phẩm này không chỉ liên tục giảm mà còn rất khó bán, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng từ 16 - 36%.

2.000 con gà thịt vừa được anh Thắng (xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội) xuất bán nhưng anh đã phải chịu mức lỗ 40 triệu đồng. Dù đang là thời điểm để tái đàn cho Tết, nhưng ngoài việc không đủ vốn, anh cũng không muốn mạo hiểm thêm lần nữa

"Năm nay dịch bệnh, cám bã tăng cao, mỗi bao cám tăng 100.000 đồng, hai là giá cả thị trường tụt xuống, tôi không tái đàn vì thất thu rất nhiều, không có lợi nhuận nên không tái đàn nữa", anh Đỗ Văn Thắng chia sẻ.

Giá lợn giảm sâu, nông dân “treo chuồng”, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm - Ảnh 1.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, cả nước còn hàng triệu con lợn chưa thể xuất chuồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

8 tháng đầu năm nay, chăn nuôi gia cầm giảm sút cả về sản lượng và giá trị so với 2 năm trước, ước giảm 35 - 50%, tùy từng mặt hàng.

Đối với chăn nuôi lợn, tình cảnh cũng không khá hơn. Chỉ trong vòng 4 tháng, giá lợn hơi giảm đến 50%. Mỗi con lợn xuất chuồng, người nuôi lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng.

"Bây giờ không biết tính đường nào cả, chỉ mong làm sao giá thị trường lên, giá thức ăn chăn nuôi giảm để cho đầu ra tốt hơn. Vấn đề cơ bản nhất là đầu ra tốt thì người chăn nuôi mới đỡ vất vả, chứ còn như thế này vất vả quá", anh Phạm Văn Trường (xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội), bày tỏ.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, cả nước còn hàng triệu con lợn và chục triệu con gà quá lứa chưa thể xuất chuồng. Đầu ra cho lượng sản phẩm khổng lồ này cần sớm được giải quyết để đảm bảo sinh kế cho người dân.

Giá thấp người nuôi e ngại tái đàn

Trong khi ngành chăn nuôi trong nước đang tồn đọng lớn, giá xuống thấp, người chăn nuôi chấp nhận bán lỗ, tính từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng gần 300.000 tấn thịt lợn.

Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi phía Nam, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng đàn lợn khoảng 2,4 triệu con. Chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn với gần 1.300 trại. Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn, với khoảng 7.700 nông hộ.

"Theo tính toán, lượng lợn dư trong đợt giãn cách 3 tháng vừa qua là khoảng 500.000 - 600.000 con. Hiện nay, chưa trang trại nào bán được trên giá 40.000 đồng/kg. Với tình trạng hiện nay do giá cám cao, tăng 20 lần so với cùng kỳ tháng 10/2020 như thế này, nếu người chăn nuôi tái đàn vào trong dịp này để có hàng cung ứng vào dịp cuối năm thì đây là một canh bạc. Vì nếu giá lên được trên giá thành sản xuất thì điều đó là điều may mắn, nhưng nếu dưới giá thành hoặc do tình hình dịch bệnh, nên người chăn nuôi không dám mạnh dạn để tái đàn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết.

Cần sớm tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tồn đọng

Những chuồng lợn trắng trơn là hình ảnh không hiếm gặp ở nhiều hộ chăn nuôi. Treo chuồng, ngưng chăn nuôi và thậm chí là bán cả trại lợn…, người chăn nuôi không còn cách nào để đối phó với tình hình giá tuột dốc này. Thịt hiện tồn nhiều, nhưng nếu nhìn dài hơn tới cuối năm và nửa đầu năm sau thì nguy cơ thiếu thịt do nông dân không thể tái đàn là khó tránh khỏi. Người nông dân chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan chức năng.

Thời điểm này, nhiều địa phương chăn nuôi lớn đã đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ rào cản về kỹ thuật đông lạnh để các doanh nghiệp tăng cường thu mua của nông dân cấp đông đồng thời đưa thịt lợn vào danh mục được bảo trợ, hỗ trợ chế biến.

"Nhà nước cần khuyến khích mỗi tỉnh đều có một lò giết mổ để giết mổ đưa vào thành phố, để chủ động", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc cho hay.

"Quan trọng nhất là tăng cầu thì mới tiêu thụ được sản phẩm đang ứ đọng, tiếp tục tái đàn. Hơn nữa, các tỉnh không bị giãn cách phải đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Khó khăn về tiền vốn thì ngân hàng, cơ quan ban ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp có vốn để tái sản xuất, duy trì đàn vật nuôi hiện có và phát triển trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói.

Giá lợn giảm sâu, nông dân “treo chuồng”, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp phía Nam đang tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng thịt lợn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Nếu như chúng ta có dự báo trước, ví dụ như đàn lợn năm nay rất lớn, cầu có bằng hay lớn hơn cung để khâu sản xuất có lợi nhuận, chúng ta cần có dự báo trước để có hành động", Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Trần Thị Dung nhận định..

Trước mắt, các doanh nghiệp phía Nam đang tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng thịt lợn. Về lâu dài, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt giá cả đầu vào, đảm bảo tính ổn định và hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm để giúp ngành chăn nuôi trong nước sớm khôi phục sản xuất.

Tìm giải pháp nâng cao giá thịt lợn hơi

Ngay trong chiều nay (22/10), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp tiêu thụ thịt lợn. Hiện giá thịt lợn hơi khi xuất chuồng bình quân từ 40.000 - 44.000 đồng/kg. Một số ít địa phương giá thịt lợn hơi thấp hơn 40.000 đồng/kg.

Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện tại số lượng lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng đang ùn ứ tại các cơ sở chăn nuôi khoảng 1,5 triệu con. Trong khi đó giá thịt lợn bán trên thị trường đang cao hơn khoảng 2,5 lần so với giá thịt lợn xuất chuồng. Ở thời điểm bình thường, mức chênh này chỉ khoảng từ 1,5 - 1,7 lần.

Lý giải việc giá thịt lợn giảm thấp, Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 khiến chi phí sản xuất từ lợn hơi đến thành phẩm tăng giá, bao gồm chi phí nhân công, vận chuyển, đóng gói, giết mổ…Bên cạnh đó nhà hàng, quán ăn chưa hoạt động bình thường trở lại nên nhu cầu về thịt lợn thấp hơn so với lúc bình thường.

Để đẩy mạnh việc tiêu thụ thịt lợn, tăng giá thu mua thịt lợn hơi cho nông dân, các cơ quan chức năng đề xuất trước mắt yêu cầu các cơ sở chăn nuôi giảm chi phí sản xuất, tăng cường kết nối lưu thông, đề xuất với Chính Phủ ban hành Chỉ thị để hỗ trợ người chăn nuôi chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Theo PV

VTV.VN