Giá điện tăng: Đại biểu "nhắc nhẹ" EVN cân đối tài chính, hài hòa lợi ích

Theo đại biểu Quốc hội, EVN cần cân đối các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động,... để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn thua lỗ sang việc tăng giá điện.

Tăng giá điện là hợp lý! Nhưng cần hài hòa lợi ích

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, Bộ Công Thương có điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Như vậy, đây là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm 2023, sau khi tăng đợt 1 vào ngày 4/5 với mức 3%. Tổng cộng mức tăng là 7,5% trong năm qua.

null
Đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

"Theo tôi, việc tăng giá điện để bảo đảm phù hợp với giá thị trường, giá xăng dầu thế giới tăng cao hiện nay, cũng như bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN là hợp lý", đại biểu Hòa nêu.

Tuy nhiên, theo đại biểu trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư nhưng cũng phải vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

"Cần hài hòa ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

Ông Hòa cũng yêu cầu EVN cần cân đối các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động,... để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn sang việc tăng giá điện.

"Việc điều chỉnh giá điện sẽ có tác động đến CPI. Bởi, mọi hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh đều liên quan đến tiêu thụ điện. Nếu tiêu thụ mạnh thì CPI tăng, nếu tiêu thụ hạn chế thì CPI hạ. Trong tình hình hiện nay, ước tính của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này có thể khiến chỉ số CPI năm nay tăng 0,035%. Đối với doanh nghiệp, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này cũng có tác động không giống nhau. Với doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận, tác động tăng giá điện không đáng kể, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách và xã hội. Tuy vậy, với doanh nghiệp khó khăn hay trong thời kỳ thua lỗ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, việc tăng giá điện hiện nay tạo thêm gánh nặng", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đối với việc Bộ Công Thương rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/lần như hiện nay xuống còn 3 tháng, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, sẽ giúp giá điện không bị dồn tích chi phí, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN.

Tuy vậy, ông cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và đánh giá khách quan vấn đề này. Bởi dù, mức tăng hiện nay không quá cao nhưng xét về tổng nguồn thu tăng thêm của EVN rất lớn. Trong khi người dân, doanh nghiệp, nhà sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất, kinh doanh.

"Hiện Chính phủ đang hỗ trợ nhiều cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách. Nếu doanh nghiệp thấy giá điện tăng liên tục trong thời gian như vậy sẽ quan ngại trong đầu tư sản xuất kinh doanh", ông Hòa băn khoăn.

Cần lộ trình dài, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp thích ứng

Tăng giá điện tăng lên hơn 2.000 đồng/ kWh từ 9/11 và phản ứng "bất ngờ" của Đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề tăng giá điện, đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nói: Quan điểm rõ ràng là ngành điện thời gian vừa qua vừa kinh doanh nhưng lại phải hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Trong khi đó, giá thành sản xuất đầu vào tăng, chi phí tăng mạnh, không thể không tăng giá điện được. Tuy nhiên, theo ông Lâm, tăng giá điện sẽ tác động lớn đến mọi mặt đời sống, vì vậy Chính phủ cần lộ trình tăng giá điện hợp lý, cần lộ trình rõ ràng từ cấp Chính phủ, ngành điện để không tạo ra cú sốc của nền kinh tế.

"Lộ trình tăng giá điện, Chính phủ phải công khai, ngành điện phải trên cơ sở lộ trình đó để công khai giá điện để doanh nghiệp tái cấu trúc lại sản xuất, thay đổi công nghệ cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả, giảm hao phí năng lượng", ông Lâm nói.

Ông này phân tích, trước hết ngành điện phải tính toán các yếu tố chi phí đầu vào để điều chỉnh tăng hoặc giảm giá điện hợp lý. EVN phải từng bước bù đắp chi phí kinh doanh không thể thua lỗ mãi được.

"Là ngành kinh tế trọng yếu, thua lỗ triền miên thì không có cơ sở để tồn tại", ông Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Lâm, lộ trình tăng giá điện đặt vấn đề bối cảnh lạm phát đã được tính toán, câu hỏi là các doanh nghiệp chịu được hay không?

"Tôi cho rằng, tùy thuộc từng doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực, giá điện sẽ có tác động khác nhau không thể thỏa mãn được tất cả tất cả được", đại biểu cho hay.