gia-ca-phe-1656891258.jpg
Giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm, trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 2/7). (Nguồn: doanhnhan.biz/)

Giá cà phê kỳ hạn trong tuần qua biến động nhẹ, với nhiều yếu tố cơ bản hỗ trợ trái chiều. Tính cả tuần qua, giá cà phê robusta có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, các mức giảm rất đáng kể. Giá robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 38 USD (giảm 1,86%), xuống 2.006 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê arabica có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, các mức tăng cực nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng tất cả 1,40 Cent, (tăng 0,63%). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Hôm nay 4/7, thị trường New York nghỉ Lễ Quốc Khánh Mỹ, không giao dịch. Thị trường London giao dịch bình thường.

Giá cà phê chốt phiên cuối tuần trước (2/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 27 USD (1,33%), giao dịch tại 2.006 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 25 USD (1,23%) giao dịch tại 2.006 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 quay đầu giảm 5,45 Cent (2,37%), giao dịch tại 224,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 5,55 Cent/lb (2,44%), giao dịch tại 221,50 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Thị trường cà phê những ngày này nổi bật là sức ép bán hàng vụ mới từ nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới hiện đang thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ cà phê 2022/2023, rơi vào năm cây cà phê arabica được mùa theo chu kỳ “hai năm một” với dự kiến sản lượng tăng, bất chấp nông dân cà phê Brazil phàn nàn sản lượng vụ thu hoạch năm nay sẽ không như họ kỳ vọng.

Thực tế này được nhà môi giới Safras&Mercado (Brazil) khẳng định thêm khi họ đoán đến nay cà phê Brazil đã thu hái 40% (của sản lượng 61,1 triệu bao theo dự đoán của họ) tức chừng 24,5 triệu bao. Tỷ lệ cà phê thu hái chính được cho là robusta. Con số này không thể là 50/50 robusta và arabica vì arabica Brazil vào chính vụ hái bắt đầu từ tháng 7. Như vậy, so với tỷ lệ thu hái bình quân 5 năm là 44%, rất có thể vụ thu hoạch này của Brazil được mùa, lượng cà phê nhiều, nên thu hái chậm hơn.

Hỗ trợ cho việc bán hàng vụ mới còn có tỷ giá đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp gần 5 tháng đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán cà phê xuất khẩu vì họ đang có lợi khi tính theo tỷ giá nội tệ và USD.

Tuy nhiên, thông tin trái chiều là tồn kho ICE đã giảm xuống mức thấp 20 năm, lại dấy lên mối lo nguồn cung trong ngắn hạn, trong khi các nước sản xuất arabica chế biến ướt truyền thống ở khu vực Trung Mỹ hầu như không còn thấy hạt cà phê nào được giao về các cảng xuất khẩu.

Indonesia báo cáo xuất khẩu cà phê robusta trong 8 tháng đầu niên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt xấp xỉ mức trung bình cùng kỳ trong vòng 5 năm vừa qua.

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng tới 21,7% so với cùng kỳ, trong bối cảnh Brazil vừa hoàn tất thu hoạch vụ mùa Conilon robusta năm nay với dự kiến sản lượng đạt mức kỷ lục 17,72 triệu bao, theo khảo sát lần 2 của Conab.

Theo Hội đồng Cà phê Ấn Độ (Coffee Board), các lô hàng cà phê từ Ấn Độ - nhà sản xuất và xuất khẩu lớn thứ ba châu Á, đã đạt mức 224.293 tấn trong nửa đầu năm Dương lịch hiện tại. So với mức 188.736 tấn trong cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cà phê xuất khẩu của Ấn Độ trong nửa đầu năm nay tăng 19%.

Ấn Độ xuất khẩu cả hai loại cà phê robusta và arabica ra thị trường thế giới, bên cạnh các sản phẩm cà phê hòa tan. Theo dữ liệu mới nhất từ Coffee Board, lô cà phê robusta xuất khẩu đã đạt mức 132.852 tấn trong thời gian từ tháng 1-6/2022. Con số này tăng 39,43% so với mức 95.280 tấn ghi nhận được trong cùng kỳ năm 2021.