Thị trường chứng khoán trong nước vẫn chìm trong tâm lý ảm đạm, dòng tiền phiên 22/6 đã có sự chuyển dịch giữa các nhóm ngành nhưng chỉ số vẫn trong xu hướng đi xuống do áp lực bán tháo ở nhóm năng lượng, bán lẻ...

Do có sự phân hóa rất rõ nét giữa các nhóm nên chỉ số bị giằng co mạnh mẽ quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên lực bán có phần ưu thế vào cuối giờ giao dịch khiến chỉ số đại diện sàn HoSE rơi vào sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,2 điểm (-0,27%) về 1.169,27 điểm và là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp. Đây là vùng giá thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2021 đến nay hay thấp nhất trong vòng 15 tháng.

Tuy nhiên các sàn ở Hà Nội với quy mô nhỏ và tính đặc thù cao lại có diễn biến ngược. Trong đó HNX-Index tăng 4,77 điểm (1,8%) lên 269,39 điểm và UPCoM-Index tăng 0,71% lên 85,63 điểm.

chung khoan ngay 22/6,  co phieu thep,  co phieu nang luong anh 1

Diễn biến VN-Index trong phiên 22/6. Đồ thị: TradingView.

Áp lực giảm giá của thị trường chủ yếu đến từ nhóm năng lượng. Dẫn đầu phải kể đến GAS của PV Gas bị bán mạnh về giá sàn 111.200 đồng, trở thành cổ phiếu có tác động xấu nhất lên chỉ số chung. Đây đã là phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp của mã này.

Các cổ phiếu dầu khí khác cũng không thoát cảnh bán tháo, trong đó có PVD và PVT giảm kịch sàn, BSR của Lọc dầu Bình Sơn bốc hơi 12% giá trị, PVS lao dốc 8,9% về sát giá sàn 22.500 đồng, PVC rơi 6,1% về 15.500 đồng.

Thực tế trong thời gian giao dịch, giá theo hợp đồng tương lai dầu Brent đã lao dốc mạnh hơn 4% để tuột mất mốc 110 USD/thùng và dầu WTI mất gần 5% về dưới 105 USD/thùng. Giá dầu giảm khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị thúc đẩy việc cắt giảm chi phí nhiên liệu của Mỹ.

Tình cảnh tương tự đối với cổ phiếu ngành sản xuất điện. Điểm nhấn là PV Power (POW) giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp về 13.000 đồng với tình trạng trắng bên mua. Các mã khác không khá khẩm hơn khi REE, NT2 cũng có phiên giảm sàn thứ 3, VSH và GEG kết phiên trong sắc xanh lơ.

Ngoài ra thị trường còn chịu tác động xấu bởi nhóm cổ phiếu bán lẻ khi DGW, FRT, PET giảm kịch sàn, MWG rơi 5%, MSN sụt 4,5%. Cổ phiếu phân bón cũng tiêu cực khi DPM, DCM, BFC không còn bên mua đối ứng.

Nhóm cổ phiếu xuất khẩu tiếp tục trong trạng thái bán tháo. Nhóm thủy sản ghi nhận VHC, ANV, IDI giảm hết biên độ và các mã khác về sát giá sàn. Nhóm xuất khẩu dệt may có TCM, MSH, GIL bị bán về giá sàn.

chung khoan ngay 22/6,  co phieu thep,  co phieu nang luong anh 2

Nhóm cổ phiếu năng lượng vẫn bị bán tháo gây áp lực lên thị trường. Bảng giá: SSI.

Tuy nhiên thị trường được giữ nhịp rất tốt nhờ dòng tiền có sự dịch chuyển sang một số ngành có vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép... Đó là lý do nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 vẫn kết phiên trong sắc xanh với mức tăng giá 0,22%.

Cổ phiếu ngân hàng - ngoại VCB đi ngược có tác động rất xấu - thì phần lớn kết phiên tăng giá với mức phổ biến 2-5%. Thậm chí một số mã đã bứt phá ấn tượng lên giá trần như STB, VIB, LPB.

Cổ phiếu bất động sản cũng trở lại mạnh mẽ sau chuỗi ngày chìm trong ảm đạm. Sắc tím xuất hiện dày đặc tại các mã DIG, CEO, CII, NBB, HQC, QCG, VCG, LDG, HDC. Các mã ngành xây dựng như FCN, C4G, SCG, HBC cũng tăng tốt.

Ngành chứng khoán với sự dẫn dắt của SSI đã dứt chuỗi lao dốc để đồng loạt "khoe sắc tím". Hôm nay SSI chốt quyền chia cổ tức và bán cổ phần ưu đãi nhằm tăng vốn lớn nhất ngành, cổ phiếu SSI theo đó cũng được tranh mức khối lượng lớn tại mức giá trần 17.700 đồng.

Hàng loạt mã chứng khoán khác cũng đồng loạt hưởng ứng và thu hút dòng tiền mạnh. Các mã vốn hóa lớn như VND, VCI, HCM đến các mã nhỏ hơn như APS, FTS, CTS, BSI, TVB, VIX cũng kết phiên trong sắc tím.

Cổ phiếu ngành cũng quay đầu tăng giá mạnh mẽ sau đợt lao dốc. Trong đó mã đầu ngành HPG của Hòa Phát bứt phá 3,4% lên 21.500 đồng, HSG của Hoa Sen tăng trần, NKG của Nam Kim tăng giá 5,4%.

Phiên hôm nay cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh của nhóm đầu cơ. Trong đó họ FLC Group gần như cả 6 mã có tính thanh khoản đã leo lên giá trần. Họ Louis tiếp tục thăng hoa với TGG, BII vẫn giữ sắc tím. Nhóm Apec cũng tăng lên giá cao nhất. Cổ phiếu Gelex tăng trần kéo các cổ phiếu liên quan tăng mạnh...

chung khoan ngay 22/6,  co phieu thep,  co phieu nang luong anh 3

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên 22/6. Nguồn: VNDirect.

Mặc dù chỉ số giằng co nhưng độ rộng thị trường vẫn nghiêng về sắc xanh. Toàn sàn có đến 634 mã tăng giá, trong khi chỉ có 347 mã giảm giá và 134 mã đứng tại tham chiếu.

Do thị trường đang có sự dịch chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu khiến thanh khoản nhìn chung vẫn suy giảm về mức thấp với tổng giá trị chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên hôm qua.

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá cân bằng trên sàn HoSE khi họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.341 tỷ và bán ra 1.317 tỷ đồng, tương đương mua ròng chỉ 24 tỷ đồng. Các mã được mua nhiều là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và HPG, ngược lại VHM và AGX bị xả nhiều nhất.