Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU - Ảnh 1.

Cao ủy Nông nghiệp châu Âu(EU) Janusz Wojciechowski cho rằng: Nhờ EVFTA, thương mại nông sản giữa EU và Việt Nam được ước tính sẽ tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022. Ảnh: MC

Hàng loạt mặt hàng hưởng mức ưu đãi thuế bằng 0%

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU diễn ra vào sáng 11/7, Cao ủy Nông nghiệp châu Âu (EU) Janusz Wojciechowski cho biết, sáng kiến tổ chức Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp 2 nước thêm cơ hội giao thương và kết nối. 

Là Cao ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách nông nghiệp, ông Janusz Wojong mong muốn giới thiệu các tiêu chuẩn nông nghiệp - thực phẩm chất lượng cao của châu Âu đến toàn thế giới và đảm bảo rằng di sản văn hóa, ẩm thực địa phương của EU sẽ được bảo tồn và chứng nhận xác thực trên toàn cầu. 

"Đây cũng là mục đích chuyến thăm của đoàn công tác tới Việt Nam và Singapore. Qua đó, tăng cường và thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực thương mại nông nghiệp - thực phẩm trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia đã có hiệu lực thực thi trong vài năm gần đây", Cao ủy viên Liên minh châu Âu nói.

Theo ông Janusz Wojciechowski, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này cũng hướng tới việc tạo thuận lợi thương mại trong trao đổi và thỏa thuận giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đang hoạt động trong ngành nông nghiệp - thực phẩm

"Những trụ cột trong quan hệ của chúng tôi được hiển thị rõ trong những hiệp định song phương, bao gồm Hiệp định Hợp tác và Đối tác Toàn diện (PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do EU - VN (EVFTA). Những trụ cột này sẽ tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ hơn bằng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư, sau khi được các quốc gia thành viên phê chuẩn đầy đủ", ông Janusz Wojciechowski khẳng định .

Là cao ủy phụ trách vấn đề Nông nghiệp,  ông Janusz Wojciechowski đặc biệt phấn khích khi chứng kiến những kết quả đạt được trong tiến độ của Hiệp định Thương mại Tự do song phương.

Trong năm 2020-2021, thương mại trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19 và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ EUR. Những con số này thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.

Cũng do lợi ích của EVFTA, giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới. Một vài trong số những sản phẩm này được “bảo hộ chỉ dẫn địa lý” theo quy định của EVFTA, như hồng không hạt Bảo Lâm và vải Lục Ngạn.

Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận quan trọng tới thị trường EU thông qua Hạn ngạch Nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0%.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao.

thuan-loi-1657535488.jpeg

Sáng 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban châu Âu, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp 2 nước thêm cơ hội giao thương và kết nối. Ảnh: MC

Hỗ trợ Việt Nam trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nông nghiệp

Về phía Việt Nam, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, trải qua những chặng đường lịch sử và nhiều cột mốc đáng nhớ, EU luôn là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường đầu tư tiềm năng, an toàn đối với các doanh nghiệp châu Âu. 

Qua gần 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); trong đó có hơn 1 năm Việt Nam cùng EU và cả thế giới phải hứng chịu những tác động to lớn đến từ đại dịch COVID-19. EVFTA đã cho thấy vai trò to lớn trong viêc giữ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với GDP ở mức dương 2,58% - con số mà ít quốc gia trên thế giới duy trì được.

Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, ông Công khẳng định: Việt Nam tự hào đã đưa nhiều sản phẩm chất lượng vào thị trường nước ngoài đòi hỏi yêu cầu cao; trong đó có EU như gạo ST25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều...

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm tỷ lệ 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản vào EU trong năm 2021. Với tỷ trọng như vậy đã cho thấy, giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu cũng như so với nhu cầu nhập khẩu của các nước thuộc EU.

Thông qua diễn đàn này, ông Phạm Tấn Công mong muốn phía EU sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam.

 Trong đó, bao gồm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật - chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật nông nghiệp tiệm cận với quốc tế; đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nông nghiệp, thực hiện các cam kết về giảm phát thải, bảo vệ môi trường như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn truyền thống và tiền năm cho nông sản Việt Nam, nhất là khi hiệp định EVFPA có hiệu lực.

“Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI để tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó các dự án sẽ hình thành cụm liên kết vùng chuyên canh lớn về chế biến nông sản, thuỷ sản, đa dạng hoá các sản phẩm có giá trị cao trên nền tảng phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và logictics phục vụ cho chuỗi giá trị nông nghiệp,” Thứ trưởng Phùng Đức tiến nói.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam có lợi thế so sánh về sản xuất và khả năng cung ứng mạnh mẽ một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Bộ NNPTNT sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp của hai bên để các doanh nghiệp cam kết đầu tư bền vững, lâu dài tại Việt Nam.

"Hôm nay, dự diễn đàn này về phía Châu Âu có 50 doanh nghiệp, Việt Nam có 52 doanh nghiệp với các lĩnh vực hai bên đều có thế mạnh. Tôi chắc chắn rằng sau đợt làm việc này, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy thương mại tăng trưởng tốt và cao hơn như tiềm năng của hai bên đã có", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu Janusz Wojciechowski sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 7 năm 2022 , cùng với một đoàn doanh nghiệp gồm 50 đại diện cấp cao của ngành nông sản châu Âu. Mục đích của chuyến thăm này là tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản và đồ uống của Châu Âu và tận dụng từ những kết quả tích cực từ việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

Nhân dịp này, với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại, đại diện cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã phối hợp với Ủy ban Châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hôi Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện tập trung vào các đặc điểm của thị trường Việt Nam và xu hướng tiêu dùng của thị trường này.

Tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Nông sản Việt Nam - EU sẽ được tổ chức tại vào ngày 11 tháng 7 (Hilton Opera Hanoi) và tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/7 (Sofitel Saigon Plaza). Diễn đàn sẽ cung cấp một nền tảng trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nhân về tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm và đồ uống, các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và các mối quan hệ đối tác có thể có giữa EU và các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á. Tham dự các sự kiện này, Doanh nghiệp Việt Nam sẽ cơ hội được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các Doanh nghiệp EU để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư mới.

PV