Vượt so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ

Bị mê Phú Quốc. Cả chục năm trước cân lên đặt xuống, định chốt 1 nền mà tiếc tiền. Giờ giá tăng gấp mấy chục lần, mới thấy dại. Mon men quay trở lại thì ối dồi ôi bạt ngàn dự án. Chả biết chọn cái nào với cái nào. Thôi thì chọn cái nào ít phốt. Mà lạ lắm, cứ search là lại ra cả đống phốt.

Dự án du lịch sinh thái Rạch Tràm – Phú Quốc (tên thương mại Forest Bay Phú Quốc) là một trong những dự án dính cả đống phốt.

Tại Báo cáo kiểm toán ngày 12/9/2018, Kiểm toán nhà nước khu vực V chỉ ra rằng Dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc, hướng tuyến trong dự án được tỉnh Kiên Giang duyệt không đúng theo quy hoạch tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc ra Quyết định số 81/QĐ-QĐ-BQLKKTPQ ngày 11/4/2018 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, quy mô 173,53ha. Quyết định này vượt so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Kết lại, Kiểm toán nhà nước kiến nghị đối với UBND tỉnh Kiên Giang, tổ chức kiểm tra đối với việc phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Rạch Tràm tỷ lệ 1/2000 vượt 71,53ha so với Quy hoạch 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xử lý theo pháp luật.

Không chỉ có vậy, công tác bồi thường tại dự án cũng có vấn đề. Hàng chục hộ dân ở ấp Rạch Tràm cho rằng số tiền đền bù quá rẻ mạt nên đã gửi đơn khiếu kiện ở nhiều nơi. Đồng thời, người dân cũng yêu cầu dừng ngay việc cưỡng chế, thu hồi đất.

BIDV nhận Forest Bay Phú Quốc làm tài sản đảm bảo

Sau khi Kiểm toán nhà nước yêu cầu phải “xử lý theo pháp luật”, hiện tại, vẫn chưa rõ việc “xử lý” được tiến hành đến đâu thì Forest Bay Phú Quốc lại như “chảo lửa”. Người dân vẫn rất bức xúc với dự án này.

Trong bối cảnh đó, có một chuyện tôi thấy hơi bị lạ. Ấy là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Phú Quốc vẫn “xuống tiền” cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc thành phố - Đảo Phú Quốc (Cityland – Đảo Phú Quốc).

Ngày 6/8/2022, Cityland – Đảo Phú Quốc ký hợp đồng tín dụng với BIDV -Chi nhánh Phú Quốc. Giá trị khoản vay là 132 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản vay này là “Toàn bộ lợi ích bao gồm: các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, máy móc, thiết bị, doanh thu, thu nhập, lợi nhuận, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư Dự án Khu Du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm (Giai Đoạn 1: Giao Thông và Hạ Tầng kỹ thuật của Khu Nhà ở xã hội. Không bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất).

Chủ đầu tư chưa xoá hết lỗ luỹ kế

Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố - Đảo Phú Quốc (Cityland – Đảo Phú Quốc), chủ đầu tư của Forest Bay Phú Quốc thành lập năm 2014, do bà Bùi Thị Huyền Trang là người đại diện pháp luật.

Cityland – Đảo Phú Quốc là thành viên của Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố (Cityland). Trong nhiều bài quảng cáo về dự án trên mạng xã hội, Forest Bay Phú Quốc được xác định là của chủ đầu tư Cityland Group.

Dù có nhiều năm hoạt động và đạt lợi nhuận dương trong năm 2021 nhưng cho tới nay, Cityland – Đảo Phú Quốc vẫn chưa xoá hết lỗ luỹ kế.

Cụ thể, năm 2021, Cityland – Đảo Phú Quốc ghi nhận 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với con số 6,2 tỷ đồng của năm 2020. Dù vậy, đây vẫn là con số rất khiêm tốn với 1.400 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu.

Trước đó, Cityland – Đảo Phú Quốc chìm trong thua lỗ. Tính tới ngày 31/12/2021, công ty gánh lỗ luỹ kế 11 tỷ đồng. Dòng tiền công ty khá yếu, công ty rơi vào tình trạng âm dòng tiền.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty là âm 37,2 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2020, con số này lên tới âm 753 tỷ đồng.

Cùng với đó, lượng tiền mặt của công ty hao hụt mạnh, giảm từ 20,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 3,4 tỷ đồng.