Đúng như dự đoán trước đó, kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 21 và 22-9 của cơ quan hoạch định lãi suất thuộc FED là Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), FED đã thông báo tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp lịch sử là 0-0,25%. Đây là động thái được nhiều người trông đợi trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục phục hồi nhờ chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và việc sử dụng hàng nghìn tỷ USD kích thích tài chính.
Theo FED, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở nước này dự kiến sẽ tăng 5,9% trong năm nay và 3,8% vào năm 2022, khác mức dự báo tháng 6 là 7% vào năm 2021 và 3,3% trong năm tới. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo giảm xuống mức 4,8% trong năm 2021 và 3,8% vào năm 2022.
Hãng tin Reuters cho biết, 9/18 nhà hoạch định chính sách của FED đồng ý nên bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới và sẽ tăng lên ít nhất mức 1% vào cuối năm 2023, phản ánh sự đồng thuận rằng cần có chính sách kiểm soát lạm phát. Tốc độ tăng lãi suất này nhanh hơn so với dự báo cuối cùng của các nhà hoạch định chính sách hồi tháng 6, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi sau cuộc suy thoái ngắn vào năm ngoái và sau các cuộc tranh luận gay gắt tại FED về việc cân bằng mục tiêu việc làm tối đa và chỉ tiêu lạm phát trung bình 2%. Đây cũng là lần đầu tiên FED đưa ra dự báo cho năm 2024, với lãi suất trung bình là 1,8%, vẫn thấp hơn mức 2,5% mà FED ước tính.
Theo tờ The Wall Street Journal, FED cũng phát đi tín hiệu về việc sẵn sàng bắt đầu đảo ngược các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ trong đại dịch. Ngân hàng trung ương Mỹ giữ lãi suất ở mức đáy kể từ tháng 3-2020 và đang mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Sự kết hợp này thúc đẩy hoạt động cho vay và chi tiêu, đồng thời góp phần giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Song, các quan chức tin rằng, đã đến lúc phải giảm dần sự hỗ trợ như vậy. Trong tuyên bố mới đây, FOMC đã cho biết họ có thể bắt đầu đề xuất giảm số tiền mua trái phiếu hằng tháng (120 tỷ USD) ngay sau cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 2 và 3-11.
Tờ The New York Times nhận định, thông điệp này gửi một tín hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cắt giảm sự trợ giúp tiền tệ toàn diện khi môi trường kinh doanh phục hồi sau cú sốc đại dịch. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, việc mua trái phiếu của Ngân hàng trung ương, vốn đã hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái, “vẫn có giá trị sử dụng, song đã đến lúc phải bắt đầu thu hẹp nó”.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực với động thái của FED. Hãng tin CNBC cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 22-9, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 300 điểm. Các chỉ số chủ chốt khác như S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng khoảng 1%.
Theo tờ The Guardian, Chủ tịch FED J.Powell cho biết, ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn đó và sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa đang dẫn đến lạm phát, song ông hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, miễn là đại dịch được kiểm soát. Có thể thấy, hướng phục hồi của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19, và một chính sách tiền tệ với khả năng thích ứng cao sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai gần.
MINH HIẾU