usd-1651928135.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 4/5/2022 (giờ Mỹ), sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, lên mức 0,75% - 1%. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2020 nhằm kiềm chế lạm phát, vốn là thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của Fed hiện nay.

Đồng thời, Fed cũng công bố kế hoạch cắt giảm quy mô tài sản đang nắm giữ (mỗi tháng giảm khoảng gần 50 tỷ USD từ tháng 6/2022) từ mức gần 9.000 tỷ USD hiện nay (chủ yếu gồm trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp nhà ở). Khả năng tăng lãi suất theo lộ trình sẽ vẫn diễn ra nhưng thế tiến thoái lưỡng nan ngày càng rõ nét.

Bối cảnh kinh tế Mỹ

Kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm, song từ tháng 3/2022 bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại: (i) GDP quý I giảm 1,4% so với quý trước (trái ngược so với mức tăng 6,9% của quý IV/2021); (ii) Doanh số bán lẻ tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,8% của tháng 2/2022.

Tuy vậy, một số chỉ số vẫn duy trì xu hướng tích cực như: (i) Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6% trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, hiện là mức toàn dụng lao động; (ii) Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tháng 3/2022 đạt 59,2 điểm, cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn trong tăng trưởng phục tốt.

Mặc dù vậy, kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng và giữ ở mức cao (lạm phát tháng 4/2022 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất kể từ năm 1981). Với đà này, Fed hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, ở mức khoảng 2,8% (từ mức dự báo 4% đầu năm 2022) và lạm phát tăng 4,3% năm 2022, trước khi giảm xuống 2,7% năm 2023.

Tác động đối với kinh tế thế giới

Đối với kinh tế - tài chính toàn cầu, về ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản này không gây nhiều tác động do đây là việc được thực hiện theo lộ trình và đã được thị trường kỳ vọng từ trước (theo CME Group khả năng Fed tăng 50 điểm cơ bản đã lên tới 99% trước thềm phiên họp).

Kịch bản tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed lần này đã không xảy ra và mức độ thu hẹp bảng cân đối cũng thấp hơn kì vọng (mức thu hẹp chỉ là 400 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo khoảng 600 tỷ USD trong năm nay).

Thị trường hiểu rằng Fed đang có cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc kiềm chế lạm phát và cũng tránh gây ra suy thoái kinh tế; trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn còn kéo dài và chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc đang giảm đà phục hồi kinh tế thế giới.

Trong ngắn hạn, các thị trường chứng khoán (TTCK), nhất là Mỹ, đóng cửa ngày 5/5 giảm điểm mạnh (chỉ số Dow Jones giảm 3,1%, S & P 500 giảm 3,6%, Nasdaq giảm 5%...) dù Chủ tịch Fed có giải trình là đã không "cân nhắc" tăng lãi suất quá mạnh.

Lý do chính ở đây là: (i) Thị trường lo rằng việc tăng lãi suất dù khôn khéo nhưng khó hạ nhiệt được lạm phát (bởi vì lạm phát hiện nay không phải do yếu tố cầu kéo, mà là do chi phí đẩy, do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là xăng dầu và khí đốt…), nên biện pháp tăng lãi suất truyền thống khó phát huy tác dụng; (ii) Trong khi đà tăng trưởng kinh tế đang bị chậm lại, khiến NHTW các nước rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan rõ nét hơn.

Về trung hạn, nhìn chung việc Fed dự kiến tăng lãi suất khoảng 7 lần trong năm 2022, lên mức khoảng 2,75-3% vào cuối năm và tăng khoảng 2-3 lần năm 2023, sẽ khiến chi phí vốn và trả nợ của các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao, và kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái…

Điểm tích cực ở đây là khả năng suy thoái đối với kinh tế Mỹ và diện rộng toàn cầu sẽ khó xảy ra khi chính sách tiền tệ được dự báo ở thế chủ động, ôn hòa và linh hoạt và những bất ổn hiện tại (xung đột địa chính trị, chiến lược Zero COVID của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu….) sẽ giảm dần.

 

Đối với Việt Nam, trước mắt, tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16/3 (lần Fed tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng 0,36% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng 4,25% so với ngày 16/3.

Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,5% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam trên ít nhất là 4 phương diện, cụ thể:

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Việc Fed và một số NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của DN và người dân tăng lên (khiến doanh nghiệp, người dân cân nhắc đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay nhiều hơn), nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm; từ đó làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do: (i) Đồng USD đến hết ngày 5/5/2022 đã tăng gần 7% so với cuối năm 2021;

(ii) Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD), góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá;

(iii) Nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD);

(iv) NHNN kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường. Dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8% - 1,2%.

Thứ ba, việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.

Theo Bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3/2022, trong tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD năm 2020, phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1% (3,5 tỷ USD quy đổi), còn lại là nợ của doanh nghiệp (109,1 tỷ USD quy đổi - chiếm 96,9%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI - chiếm khoảng 75% theo số liệu ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV từ một báo cáo liên quan khác).

Do không có số liệu về cơ cấu vay ngoại tệ của Việt Nam, Nhóm tác giả giả định Chính phủ vay 40% là bằng đồng USD, doanh nghiệp vay 60% - 70% là bằng USD, còn lại là bằng ngoại tệ khác. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.

 

Thứ tư, tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước.

Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại TTCK Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực.

Dự báo nhà đầu tư ngoại rút vốn (nếu có) sẽ không nhiều đối với thị trường Việt Nam (4 tháng đầu năm, khối ngoại chỉ bán ròng gần 2,5 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 110 triệu USD) do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao (6-6,5% giai đoạn 2022-2023), kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định (lạm phát kiểm soát khoảng 4%, thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng nhưng trong tầm kiểm soát)…

Bốn kiến nghị đối với Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế bắt đầu có sự hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát; để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ngân hàng trung ương (NHTW) các nước, nhất là Fed, có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có 4 kiến nghị như sau.

Một là, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, cần: (i) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ mạnh hơn của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu;

(ii) Theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, cần xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất, kinh tế toàn cầu phục hồi yếu đi dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu;

(iii) Tiếp tục các biện pháp lành mạnh hóa phù hợp thị trường tài chính, củng cố niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.

Hai là, cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách phù hợp, nhịp nhàng, không dồn dập vào một thời điểm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá (nhất là cao điểm) nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng "té nước theo mưa"…

Ba là, theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.

Bốn là, xây dựng kế hoạch với các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài, trong đó việc tăng cường nội lực, khắc phục các điểm yếu, rào cản; gia tăng các đệm phòng chống rủi ro; chủ động, linh hoạt và phối hợp chính sách, thực thi chính sách hiệu quả hơn là rất cần thiết.

Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả/thitruongtaichinhtiente.v