"Ông lớn" tài chính tiêu dùng
Trên thị trường, Home Credit là cái tên không mấy xa lạ trong lĩnh vực vay tiêu dùng trả góp.
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit Việt Nam) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008, hiện là một trong những công ty tài chính hàng đầu tại Việt Nam. Công ty này có khoảng 6.000 nhân viên và đang phục vụ hơn 14 triệu khách hàng trên cả nước. Trụ sở chính của công ty đặt tại TP.HCM, chi nhánh tại Hà Nội, 8 văn phòng đại diện và hơn 9.000 điểm phục vụ tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Home Credit Việt Nam cũng xây dựng mạng lưới kết nối với hàng nghìn điểm thanh toán Payoo, MoMo, thậm chí là liên kết với hệ thống bưu cục của các nhà mạng và các ngân hàng lớn.
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam có nguồn gốc từ châu Âu, do PPF Group nắm giữ 100% vốn. Home Credit Việt Nam có vốn điều lệ là 2.050 tỷ đồng.
Trên thế giới, Home Credit Group là tập đoàn tài chính tiêu dùng có mặt tại 10 quốc gia như Nga, Cộng hòa Czech, Slovakia, Kazakhstan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và có tổng tài sản lên đến cả chục tỷ USD. Home Credit Group nằm dưới kiểm soát của PPF - Tập đoàn đầu tư lớn nhất Cộng hòa Czech. PPF Group do gia đình tỷ phú quá cố Petr Kellner sáng lập.
Vào cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chuyển đổi chủ sở hữu sang Công ty Home Credit. Theo đó, vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit là 550 tỷ đồng do Công ty Home Credit N.V. (có trụ sở chính tại Hà Lan) sở hữu 100% vốn điều lệ.
Theo thông tin từ giấy phép hoạt động, Home Credit huy động vốn theo hình thức nhận tiền gửi của tổ chức, đồng thời, vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính nước ngoài và trong nước theo quy định của pháp luật và phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức. Ngoài ra, Công ty còn cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, bao gồm cho vay tiêu dùng và cho vay trả góp, cũng như phát hành thẻ tín dụng.
Home Credit cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng nổi bật với ba ngành hàng chính: cho vay trả góp hàng tiêu dùng (xe máy, đồ gia dụng, điện tử, nội thất…), cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng. Đây là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, cũng là đơn vị tiên phong đưa ra gói vay 0% lãi suất cho các sản phẩm cho vay trả góp mua xe máy và mua hàng gia dụng.
Gần đây, Home Credit mở rộng thêm phạm vi kinh doanh của mình với các sản phẩm mới như gói vay sử dụng dịch vụ giáo dục, sức khỏe và thẻ tín dụng.
Khó khăn trong huy động vốn, tài sản tăng nhờ vay nợ
Khác với nhiều công ty đối thủ, Home Credit Việt Nam không được hậu thuẫn bởi những ngân hàng mẹ trong nước như FE Credit có cổ đông lớn là VPBank; MCredit là công ty con của MBBank và HDSaison là công ty con của HDBank hay có nhiều thương vụ kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài như F88. Do đó, Home Credit gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn dẫn đến khó tiếp cận khách hàng cũng như nguồn vốn vay ưu đãi.
Gần đây, Home Credit liên tục tăng huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu. Cụ thể, trong tháng 8-9/2022, Home Credit Việt Nam phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng, kỳ hạn 18-24 tháng. Các thông tin về lãi suất, trái chủ, hay bên đứng ra sắp xếp thương vụ không được công bố.
Trong tháng 10/2022, Home Credit đã huy động thành công 200 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, gồm 200 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, ngày đáo hạn 15/3/2024.
Đầu tháng 3/2023, Chứng khoán SSI có 3 thông báo về việc nhận lãi suất lần đầu đối với 3 lô trái phiếu của Home Credit Việt Nam.
Gần đây, Home Credit Việt Nam ghi nhận tài sản tăng nhờ vay nợ. Trong khi đó, doanh thu không có sự cải thiện do thị trường gặp khó khăn và cạnh tranh ngày càng cao.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của công ty tài chính này đã vượt 1 tỷ USD lên mức 26.571 tỷ đồng, tăng gần 50% so với thời điểm 4 năm trước nhưng doanh thu gần như đi ngang trong giai đoạn này và quanh mức 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế cũng liên tục giảm, xuống mức 550 tỷ đồng vào năm 2021, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017.
Thiếu nguồn lực tài chính đủ mạnh trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt đẩy Home Credit vào giai đoạn suy giảm từ năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế của công ty tài chính này liên tục sụt giảm trong 4 năm qua xuống mức 550 tỷ đồng vào năm 2021, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017.
Gánh nặng lãi vay cũng là một trong những yếu tố ăn mòn đáng kể lợi nhuận của Home Credit.
Việc thiếu bóng dáng của các định chế tài chính đằng sau buộc công ty tài chính này phải tăng vay nợ để có nguồn vốn hoạt động kinh doanh và giữ thị phần.
Thông tin Kasikornbank, ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan, đang đàm phán để mua lại Home Credit Việt Nam được đưa ra vào thời điểm các ngân hàng Việt Nam đang chịu sức ép khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản làm tăng nợ xấu, dẫn đến các đợt cắt giảm lãi suất trên diện rộng.
Thương vụ tiềm năng nói trên sẽ làm nổi bật xu hướng hợp nhất trong lĩnh vực tài chính của châu Á. Nếu thành công, giao dịch của KBank sẽ trở thành thương vụ thâu tóm và sáp nhập lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam trong năm nay sau thương vụ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng khi bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản hồi tháng 3 với giá 1,5 tỷ USD.