“Chủ nghĩa hoàn hảo” là mục đích phấn đấu của những người muốn vươn lên sự xuất sắc ở bất kỳ lĩnh vực, công việc nào. Tuy nhiên, nó có thể là con dao hai lưỡi hủy hoại chính họ.

Có ba sai lầm lớn thường giết chết năng suất của những người cầu toàn. Đầu tiên, họ không thể chỉ định được những quyết định nào là không quan trọng, khiến họ không thể thực thi hay ủy quyền nhanh chóng. Thứ hai, họ luôn cảm thấy có nghĩa vụ về mặt đạo đức phải đem lại kết quả tốt hơn mức cần thiết. Thứ ba, họ cứng nhắc bám vào những thói quen có thể không còn tốt cho họ.

Nhận thức là bước đầu tiên để khắc phục những vấn đề này. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng có thể phát triển một kĩ năng gọi là heuristics (Heuristics là các kỹ thuật dựa trên kinh nghiệm để giải quyết vấn đề, học hỏi hay khám phá nhằm đưa ra một giải pháp mà không được đảm bảo là tối ưu), chẳng hạn như: “nếu tôi đã nghĩ về lựa chọn đó ba lần, tôi sẽ bắt tay vào thực hiện nó”; hay lựa chọn những lĩnh vực nào bạn muốn cam kết sự hoàn hảo và những lĩnh vực nào đạt mức kỳ vọng là ổn rồi; hoặc xem xét lại các cam kết của bản thân để đảm bảo chúng vẫn có thể áp dụng được.

Năng suất không phải là hoàn thành nhiều việc hơn, mà là tạo ra chất lượng tối đa ở những việc bạn hoàn thành. Ba khía cạnh được đề cập dưới đây có thể cản trở khả năng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc quan trọng của bạn. 

1. Bạn cảm thấy miễn cưỡng khi gắn mác một số quyết định là “không quan trọng”

Có một lập luận rằng: “Đối với những quyết định/công việc không quan trọng, bạn nên đưa ra quyết định nhanh chóng hoặc cho người khác quyết định hộ”.

Nhưng những người theo chủ nghĩa hoàn hảo gặp khó khăn khi chỉ định điều gì là không quan trọng với họ nữa. Họ là người thích được kiểm soát mọi thứ. Tại sao ư? Bởi vì sự không hoàn hảo khiến họ bận tâm hơn rất nhiều so với người khác. Nếu có điều gì đi chệch hướng mong đợi, họ sẽ cảm thấy thất vọng như muốn bùng nổ hoặc có cảm giác bực bội khó có thể bỏ qua, và bản thân họ cũng không muốn nhận bất kỳ rủi ro nào.

Đôi khi, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo quá quen với việc quản lý vi mô - đến mức thậm chí họ nghĩ rằng quyết định và hành động nào cũng là quan trọng với họ. Họ mù quáng với nó. Họ thường xuyên và tự động phân loại mọi thứ.

Giải pháp: Trong cuộc sống hiện đại, khi phải đưa ra quá nhiều quyết định, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần cảm thấy kiệt quệ. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo cần học cách yêu việc từ bỏ quyền kiểm soát của mình với một số quyết định nhỏ trong công việc. Bạn cần được cảm thấy khá hơn khi trút bỏ gánh nặng đưa ra quyết định, và không tốn năng lượng vào từng việc nhỏ nữa. 

Hãy sử dụng kỹ thuật heuristics (như đã trình bày ở trên) để nhanh chóng quyết định hoặc ủy quyền với kỳ vọng rằng: bạn sẽ có được những quyết định tổng thể tốt và nhanh chóng hơn chứ không nhất thiết là quyết định nào cũng phải chính xác và hoàn hảo. 

Ví dụ, một trong những kinh nghiệm của tôi là: nếu tôi đã nghĩ về việc làm điều gì đó ba lần, tôi sẽ tiếp tục thực hiện nó mà không cần cân nhắc gì thêm. 

Đừng để chủ nghĩa hoàn hảo trở thành kẻ thù của năng suất - Ảnh 1.
 

2. Bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải đem đến kết quả tốt hơn mức cần thiết

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo tin rằng họ cần phải hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, trong mọi tình huống. Điều này có thể được biểu hiện qua nhiều cách khác nhau. Ví dụ, bạn đánh giá rằng một email của đồng nghiệp cần phải được trả lời trong vòng 24 tiếng khi nhận được, thì mong muốn của riêng bạn là chỉ trả lời trong 6 tiếng thôi. Điểm mấu chốt là bạn tin rằng những gì thông thường sẽ không áp dụng cho bạn và tiêu chuẩn của riêng bạn cần phải khác.

Đôi khi, dòng suy nghĩ này xuất phát từ việc bạn luôn muốn có một kết quả tốt hơn mức cần thiết; chẳng hạn, bạn nghĩ: “Nếu tôi muốn mang lại giá trị gấp 1,5 lần hoặc gấp 2 lần cho tất cả những gì tôi làm, thì tôi sẽ không bao giờ đưa ra một kết quả dưới mức mong đợi”.

Thật ra, trong công việc, điều này không hề sai. Tuy nhiên, khi liên tục giữ những tư tưởng này, bạn sẽ dần cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, bất an hoặc gặp phải hội chứng “kẻ giả mạo” (tức cảm giác sâu sắc rằng bản thân không xứng đáng với thành công mình đã đạt được, cùng nỗi sợ người khác “phát hiện” ra mình không tài giỏi đến mức đấy). Chẳng hạn, bạn nghĩ rằng cách duy nhất để không khiến người khác thất vọng hoặc không hài lòng về bạn, là bạn phải luôn làm vượt mức mong đợi.

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo đôi khi cũng tưởng tượng quá mức rằng sẽ có những hậu quả khôn lường nếu họ không thể đem lại được kết quả tốt nhất. Ví dụ, họ lo lắng rằng một khách hàng sẽ không muốn làm việc với họ nữa nếu họ mất hơn một ngày để trả lời email, ngay cả khi đó là một công việc không-cần-gấp và khách hàng của bạn vẫn đang hài lòng với những gì họ đang nhận được.

Giải pháp: Bạn nên có một kế hoạch sửa sai nếu bạn nhận thấy những suy nghĩ tiêu cực như trên. Bạn phải hiểu những gì bạn phải đánh đổi để hướng tới một hiệu suất công việc vượt trội hơn. Nếu bạn không có thời gian, năng lượng, sự chú ý và ý chí, liệu bạn có thể làm việc năng suất nữa không? Có thể bạn đang phải đánh đổi sức khỏe của chính bạn, mục tiêu lớn lao của bạn hoặc gia đình của bạn. Nếu bạn đánh giá rằng những gì bạn đang bỏ ra là quá lớn so với những gì bạn nhận lại được, bạn mệt mỏi và bị vắt kiệt - hãy tạo ra những quy tắc cho bản thân mỗi khi lâm vào tình trạng “phải làm tốt hơn nữa”. Hãy đặt ra thứ tự ưu tiên những việc mình sẽ dốc toàn bộ tâm trí và nỗ lực để khiến nó trên mức hoàn hảo. Còn lại, mọi thứ có thể chạm mức: "Hoàn thành".

Đừng để chủ nghĩa hoàn hảo trở thành kẻ thù của năng suất - Ảnh 2.
 

3. Bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu khi mọi việc không đi theo quy trình và thói quen của mình 

Khi những người theo chủ nghĩa hoàn hảo muốn áp dụng những thói quen hay quy trình mới, họ có xu hướng rơi vào một trong ba loại: 

- Họ gắng sức tiếp nhận nhiều hơn những gì họ có thể tiếp nhận và kế hoạch của họ quá khó để thực hiện.

- Họ tránh bất kỳ thói quen mới nào cho đến khi họ cam đoan 100% rằng họ có thể cam kết thực hiện được mỗi ngày - mà điều này thường dẫn đến sự trì hoãn.

- Họ chỉ chấp nhận những hành động mà họ có thể thực hiện được, bất kể điều gì.

Tính linh hoạt là một chứng nhận vàng về sức khỏe tâm lý. Bạn cần có đủ khả năng để nghỉ một ngày tập gym khi bạn ốm hoặc vừa đáp chuyến bay trễ, hoặc ngay cả khi là bạn nghỉ một ngày khi đang trong chuỗi tập liên tục. Bạn cũng có thể thay đổi những thói quen từng là rất quan trọng với năng suất hoặc sự phát triển kỹ năng của bạn (bởi bạn đã phát triển quá mức cần thiết).

Đừng để chủ nghĩa hoàn hảo trở thành kẻ thù của năng suất - Ảnh 3.
 

Ví dụ, có thể với tư cách là một vlogger mới vào nghề, bạn đã lên kế hoạch là sẽ luôn đăng clip mới ba lần một tuần, nhưng điều đó khiến bạn kiệt sức; hoặc với tư cách là một nhà đầu tư, bạn luôn đi gặp mặt hàng tháng với bạn bè để tìm kiếm những mối quan hệ mới, và bạn phát mệt vì việc đó. Thế nhưng, bạn vẫn cứ ép mình phải làm, bởi bạn không cho phép mình từ bỏ một thói quen bạn tin là nó tốt cho công việc của mình, chỉ bởi vì một lý do là bạn thấy không thoải mái vì nó. 

Đôi khi một hành vi kỷ luật hơn (đi chệch khỏi một thói quen hoặc một khuôn mẫu hành vi đã ăn sâu) lại trông giống như một hành vi kém kỷ luật hơn (nghỉ ngơi). Khi sự tự kỷ luật thông thường biến thành sự ép buộc, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo có thể bị nó kìm hãm phát triển. 

Giải pháp: Bạn nên có một cơ chế để kiểm tra xem bạn có không tuân theo một thói quen mới nào chỉ bởi vì bạn đang “thờ phụng” một sự tự kỷ luật khô cứng nào đó không.

Nếu bạn chưa bao giờ bỏ một buổi tập gym nào trong hai năm (hoặc bất kỳ thói quen nào khác), thì có thể một số ngày - khi bạn hoàn thành buổi tập - chưa chắc đã là thời gian của bạn được sử dụng tốt nhất. Bạn nên thường xuyên xem xét những gì bạn phải bỏ ra cho bất kỳ hành động nào hoặc hành vi nào là siêng năng nhất của bạn, để đảm bảo rằng chúng hiện đang mang lại lợi ích tốt nhất cho năng lượng thể chất và tinh thần của bạn (chứ không phải là áp lực hoàn thành chúng).

Chủ nghĩa hoàn hảo thường được thúc đẩy bởi sự tự phấn đấu của bản thân, để đạt được sự xuất sắc. Nhưng nó có thể tự hủy hoại bất cứ ai, nếu nó trở thành một sự ám ảnh, đến mức cản đường bạn hoàn thành công việc một cách thoải mái và năng suất. Sự linh hoạt và đồng cảm với bản thân là chiếc chìa khóa để bạn vượt qua trạng thái này. Cầu toàn là một đức tính tuyệt vời trong công việc và chắc chắn nó sẽ tạo ra những giá trị và sản phẩm tốt nhất. Thế nhưng, đừng tự biến mình thành một bóng ma trong việc chạy theo những tiêu chuẩn cao chới với mà tự bản thân bạn đưa ra.