binh-on-tren-giay-1626497791.jpg

Trong khi thị trường thực phẩm tại TP.HCM trở nên căng thẳng hơn tuần nay, sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bản tin về tình hình hàng hóa, giá cả được Bộ Công thương phát ra lại đều khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi…

Chỉ đến các bản tin ngày 15 và 16-7, tình trạng người dân tại TP.HCM phải xếp hàng khi đi mua thực phẩm ở các siêu thị mới được ghi nhận với lý do quá nhiều người đi mua sắm, "giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng"... Những bản tin trước đó đều đưa ra những thông tin rất xa rời thực tế.

Chẳng hạn, tại bản tin ngày 14-7, bộ này cho biết thị trường Cần Thơ ổn định, siêu thị đủ hàng và không tăng giá… 

Tương tự, tại Đồng Nai cũng "không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng". Trước đó, bản tin ngày 11-7 khẳng định TP.HCM có lượng hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, giá cả ổn định...

Trong thực tế, tràn ngập trên các mặt báo và những trang mạng xã hội là thông tin và hình ảnh người dân TP.HCM phải sắp hàng vài giờ trước siêu thị chờ mua hàng, nhưng vào được siêu thị lại chỉ thấy các quầy kệ trống trơn. 

Nhiều người đội nắng sắp hàng lúc 12h trưa nhưng chỉ nhận được... phiếu hẹn đến 22h quay lại mua hàng!

Việc đóng cửa tất cả các chợ tự phát, hàng trăm chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch, sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, khiến nguồn cung hàng bị đứt gãy, nhu cầu mua hàng đều dồn về các siêu thị.

Việc mua hàng online cũng không khá hơn. Nhiều người đã thanh toán đơn hàng mua thực phẩm nhưng có khi... một tuần sau mới nhận được hàng, đặt đồ ăn trưa nhưng khuya mới nhận được, rồi thực phẩm không đảm bảo chất lượng... chủ yếu do các siêu thị quá tải và thiếu đội ngũ giao hàng.

Nhưng giá cả hàng hóa mới là nỗi ám ảnh trong thời buổi củi quế gạo châu. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là rau củ, tăng giá gấp 2-3 lần, thậm chí 8-10 lần so với bình thường dù không dễ mua. Như hành lá có nơi bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg, một củ gừng có giá hơn 20.000 đồng…

Trong khi đó, nhà vườn tại nhiều địa phương đang khóc ròng vì không tìm được người mua. Nhiều nông dân tại Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu rao bán hành lá với giá 10.000 đồng/kg cũng không có ai mua.

Người chăn nuôi tại Đồng Nai kêu bán gà với giá 12.000 đồng/kg gà lông, chỉ hơn... 1/3 giá thành chăn nuôi nhưng thương lái từ chối lấy hàng.

Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa, mà chủ yếu là điểm nghẽn trong khâu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn đề nêu trên.

Trước khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16, Bộ Công thương từng lên tiếng khẳng định đã làm việc với các địa phương phía Nam, đồng thời cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định.

Thậm chí bộ này còn lập cả một ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Thế nhưng, mọi thứ đến nay vẫn cứ loay hoay trong công tác tổ chức, phân phối.

Và với nhiều thông tin lạc hậu, xa rời thực tế trong các bản tin về hàng hóa và giá cả do bộ công bố hằng ngày, liệu có phải là chất liệu để bộ này xây dựng các chính sách, đưa ra giải pháp điều chỉnh thị trường một cách phù hợp?

NGỌC AN

Tuổi Trẻ