Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 54/2022 Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao. Bên cạnh đó, tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Đáng chú ý, một trong những mục tiêu cụ thể được đưa ra lần này là tăng quy mô thị trường vốn ngoài tín dụng. Trong đó, nâng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP và dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Từ khối lượng phát hành gần 238.400 tỷ đồng, dư nợ toàn thị trường đạt khoảng 475.160 tỷ (8,6% GDP) năm 2018, thị trường này đã tăng nhanh lên trên 658.000 tỷ khối lượng phát hành với dư nợ đạt trên 1,195 triệu tỷ (14,75% GDP sau điều chỉnh) vào năm 2021.

QUY MÔ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP GẦN ĐÂY
Nguồn: VBMA; Tổng hợp
Nhãn 2018 2019 2020 2021
Quy mô phát hành/năm tỷ đồng 238357 332852 466826 658009
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp   475160 655052 1074869 1195697
Tỷ trọng/GDP % 9.01 12.41 17.08 14.75

Tuy nhiên, VBMA đánh giá quy mô thị trường này vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…

Gần đây, cơ quan quản lý đã liên tiếp ra quyết định xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó Chính phủ cũng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thị trường này và đấu giá đất. Mới nhất là vụ việc 3 công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá động thái quyết liệt này từ cơ quan quản lý có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp một số áp lực ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, điều này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn và phát huy đúng vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường vốn cổ phiếu, trái phiếu, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán; thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và phát triển thị trường; mở rộng năng lực thị trường vốn; nâng cao tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống. Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp nhằm đa dạng các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm…

Cũng tại Nghị quyết mới này, Chính phủ đã đặt mục tiêu nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Trong đó, thiết lập, vận hành có hiệu quả Sàn giao dịch nợ với Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là trung tâm thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu tất cả ngân hàng thương mại (không bao gồm nhóm yếu kém) áp dụng Basel II; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP…