Đây là một trong những nội dung đáng chú ý về tình hình dự toán ngân sách địa phương đang được Bộ Tài chính đưa ra trong Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội.

Cụ thể, theo báo cáo này, Bộ Tài chính nâng tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM năm 2022 ở mức 21%, tăng 3 điểm % so với giai đoạn 2016-2021 (18%).

Theo tính toán từ cơ quan soạn thảo, năm 2022, ước tính tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 386.568 tỷ đồng, cao hơn 5,9% so với dự toán năm 2021, tương đương mức tăng ròng gần 21.700 tỷ.

Trong số thu này, phần ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỷ, còn lại là các khoản phải chia ra. Trong đó, các khoản thu ngân sách địa phương TP.HCM được hưởng 100% trong năm 2022 dự kiến là 42.585 tỷ đồng và phần được hưởng theo tỷ lệ điều tiết 21% là gần 41.536 tỷ.

Như vậy, so với năm 2021, tỷ lệ điều tiết mà ngân sách TP.HCM được hưởng trong năm 2022 dự kiến cao hơn gần 6.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách thành phố trong năm sau dự kiến là 94.051 tỷ đồng.

De xuat tang ty le dieu tiet ngan sach TP.HCM len 21% anh 1

Tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM năm 2022 dự kiến tăng thêm 3 điểm % so với năm 2021. Ảnh: T.L.

Cũng tại báo cáo này, Bộ Tài chính điều chỉnh giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách Hà Nội năm 2022 xuống mức 32%, thấp hơn 3 điểm % so với giai đoạn 2016-2021 (35%).

Theo đó, tổng thu ngân sách dự toán năm sau của Hà Nội là gần 311.651 tỷ đồng, tăng 32,3% so với dự toán năm nay, tương ứng với hơn 76.130 tỷ.

Trong đó, phần địa phương được hưởng theo phân cấp là 98.939 tỷ; phần ngân sách thành phố được hưởng 100% là hơn 45.779 tỷ và phần được hưởng theo tỷ lệ điều tiết 32% là 53.160 tỷ đồng.

So với dự toán năm 2021, dù tỷ lệ điều tiết mà ngân sách Hà Nội được hưởng trong năm 2022 giảm 3 điểm %, nhưng tổng số thực tế được hưởng vẫn tăng gần 2.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, cơ quan soạn thảo ước tính tổng chi ngân sách trên địa bàn thành phố là gần 102.388 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, dự toán thu ngân sách năm 2021 cả nước là hơn 1,34 triệu tỷ đồng và sau 9 tháng, cơ quan quản lý đã thu được hơn 1,077 triệu tỷ, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ này, tình hình thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chính sách về thu, chi ngân sách Nhà nước như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn giảm 30 loại phí, lệ phí năm 2021...

Sang năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối ngân sách đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với dự toán năm nay.

Cơ quan quản lý cho rằng đại dịch vẫn sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn đối với nguồn thu và số thu, ảnh hưởng tới cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2024.

Ước tính, tổng thu ngân sách 3 năm trong giai đoạn này là 4,65 triệu tỷ, trong khi mức chi cùng giai đoạn là 5,8 triệu tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2022-2024 vào khoảng 3,8% GDP.

QUANG THẮNG