Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2023 tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng trưởng khá ở mức 7,7% với những mặt hàng như rau quả, gạo, hạt điều và chè.

Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ. Một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.

6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường ASEAN tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ mặt hàng gạo, cà phê…

Dự báo, tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng nhẹ tới cuối năm.

Để khai thác mạnh mẽ những thị trường đang có tăng trưởng này, Bộ NN&PTNT đã có những hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể và hiệu quả.

Trong thời gian tới, đối với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đẩy nhanh trao đổi với tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hoàn tất bản ghi nhớ và xúc tiến nghị định về xuất khẩu nông sản ở cấp địa phương.

Xúc tiến trao đổi với phía tỉnh Quảng Tây về thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Quảng Tây - Việt Nam, Hiệp hội logistics nông sản Việt Nam - Quảng Tây nhằm khắc phục các hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề xuất khẩu nông sản sang phía bạn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội chú ý về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các khu vực cảng, tàu cá, kho bãi, đặc biệt, các hiệp hội ngành hàng cần giữ kết nối chặt chẽ với bộ, có tư duy "đi cùng nhau".

Cũng trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt sang Mỹ sụt giảm mạnh (ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có cà phê tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm, đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%, còn lại 9 mặt hàng đều giảm.

Tại thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ. Đối với thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường Nhật Bản gồm gỗ, thủy sản và cà phê đều giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm.

Đứng trước thực tế này, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ thông qua các tham tán nông nghiệp, tham tán thương mại để xác định một số bang lớn của Mỹ có nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam; xúc tiến ký kết các chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm trái cây bên lề các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2023 tại Tokyo.