Đồng USD có thể phải nhường chỗ cho ‘đế chế tiền tệ’ mới gồm EUR, NDT, CBDC và một loại tiền khác nữa. (Nguồn: biz.crast.net)
Vị thế của đồng USD ngày càng gặp rủi ro. Ảnh minh họa. (Nguồn: biz.crast.net)

Hiện đang xuất hiện các giải pháp thay thế tuy còn khá non trẻ nhưng “hứa hẹn” khả năng một ngày nào đó có thể lấy đi sức mạnh của đồng USD, thiết lập một chế độ tiền tệ ít tập trung hơn.

 

“Trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới, có khả năng cao là sẽ xuất hiện các loại tiền tệ chiếm ưu thế trong khu vực và hình thành một chế độ quốc tế đa cực, trong đó vai trò của USD được chia sẻ với đồng EUR, NDT, tiền tệ kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC) trong tương lai và có thể là những lựa chọn khác mà chúng tôi chưa nhận thấy", nhà kinh tế Vikram Rai lưu ý.

Tính trú ẩn an toàn của USD

Ông Rai cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đồng USD tiếp tục thống trị với tư cách là đồng tiền được nhiều nơi dự trữ nhất - xu hướng không thay đổi kể từ Thế chiến II. Đồng bạc xanh chiếm 50% hóa đơn thương mại của thế giới và là tài sản chính trong phát hành trái phiếu và ngân hàng xuyên biên giới.

Tuy nhiên, trong khi Mỹ vẫn đang hưởng lợi từ những đặc điểm này thì đồng thời vẫn xuất hiện ngày càng nhiều sự thất vọng về uy thế của đồng USD, ông lưu ý.

Giống như các nhà phân tích khác, ông Rai cho rằng, nguyên nhân một phần là do phương Tây quyết định đóng băng dự trữ tiền tệ của Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi năm ngoái.

Kể từ đó, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã lấp đầy kho dự trữ của họ bằng vàng để giảm mức độ tiếp xúc với đồng USD. Trung Quốc thúc đẩy sử dụng đồng NDT trong một số thỏa thuận giao dịch toàn cầu, chẳng hạn như với Brazil, Ấn Độ và Nga.

Ông Rai cũng ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong sử dụng NDT để giao dịch dầu thô, loại bỏ sự phụ thuộc lâu dài vào đồng USD trên thị trường hàng hóa.

"Thách thức hiện đang rất lớn đối với 'đô la dầu mỏ' (petrodollar) cả về mặt kinh tế và biểu tượng - quy ước của Saudi Arabia và các nhà xuất khẩu OPEC khác về việc định giá xuất khẩu dầu thô đã hỗ trợ nhu cầu về USD vì mọi quốc gia đều giao dịch trên thị trường dầu thô và do đó cần phải nắm giữ chúng", ông nói.

Tuy vậy, việc "truất ngôi" hoàn toàn đồng USD sẽ mất nhiều thời gian. Khi đồng EUR là đối thủ đáng gờm khác của đồng bạc xanh, thì cả đồng tiền này và đồng NDT đều kém cạnh tranh kém hơn về độ tin cậy so với đồng USD. So với thuộc tính trú ẩn an toàn của trái phiếu Mỹ, trái phiếu bằng đồng EUR thường không đến từ cùng một chính phủ, làm giảm độ tin cậy của chúng.

Theo chuyên gia trên, đồng NDT không được tự do chuyển đổi cũng như không được phổ biến rộng rãi. Các nhà phân tích khác cho rằng rằng, nó bị suy yếu do bị kiểm soát chặt chẽ nên kém thích nghi với dòng chảy thị trường tự do.

Yếu tố đẩy nhanh phi USD hóa

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố có thể đẩy nhanh quá trình phi USD hóa. Các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là một trong những mối đe dọa như vậy, với việc có một số quốc gia đã nghiên cứu công nghệ này. Nếu được thông qua, những yếu tố như vậy có thể loại bỏ nhu cầu về đồng USD trong việc giải quyết các khoản thanh toán.

Bên cạnh đó, còn có các sự vụ rắc rối đe dọa đồng USD. Ông Rai cho rằng: “Mặc dù tình trạng vỡ nợ gần đây của Mỹ đã được ngăn chặn, nhưng những diễn biến tương tự trong tương lai có thể làm lung lay niềm tin quốc tế vào đồng tiền này và đẩy nhanh sự suy yếu của nó”.

Những thách thức khác có thể xuất hiện trong những năm tới, chẳng hạn như ý tưởng về một loại tiền tệ chung giữa các quốc gia BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Ông Rai nói: “Một liên minh tiền tệ chính thức giữa các nền kinh tế khác biệt như vậy khó có thể được thông qua, nhưng những hiện tượng kiểu này báo hiệu một cam kết thực hiện nhiều hoạt động thương mại và tài chính của khối này mà không cần đến đồng USD”.