lai-suat-1678151694.jpg

Lãi suất huy động, cho vay đồng loạt giảm

Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động với mức giảm phổ biến từ 0,3-0,5%/năm. Thậm chí, ở một số kỳ hạn, lãi suất huy động còn giảm tới 2%/năm.

Đơn cử, Sacombank điều chỉnh giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ. Saigonbank công bố biểu lãi suất mới từ ngày 6/3 với mức giảm 0,2-0,3 điểm % ở một số kỳ hạn.

Tại VPBank, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của ngân hàng này chỉ còn 7,3%/năm, giảm tới 2% so với trước; lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5 điểm %.

Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng tại quầy giảm mạnh còn 8,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn 8%/năm.

PGBank và OCB đồng loạt hạ 0,5% lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn từ 6-12 tháng. Techcombank giảm 0,8%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến 3 năm. MSB giảm từ 9,5%/năm xuống còn 9%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức trực tuyến.

3 trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng tiến hành giảm lãi suất huy động tại quầy vào ngày 6/3.

Tại Agribank, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1-3 tháng giảm từ 5,6%/năm xuống 5,4%/năm, kỳ hạn 6- 9 tháng giảm từ 6,3%/năm xuống 5,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,6%/năm xuống 7,4%/năm, các kỳ hạn dài hơn cũng giảm từ 7,6%/năm xuống 7,2%/năm.

Tại Vietcombank, với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 2-5 năm của ngân hàng từ 6/3 là 7,2%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước. Ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng từ 6%/năm xuống 5,8%/năm.

VietinBank cũng đã giảm lãi suất tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng còn 7,2%/năm, thấp hơn trước 0,2 điểm %. Đồng thời, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 5,8%/năm.

Đến nay, hầu hết ngân hàng đã đưa lãi suất xuống dưới mốc 9%/năm, có nơi chỉ còn quanh 8-8,5%/năm. So với hồi đầu năm, lãi suất huy động giảm khoảng 0,5-1%/năm. Còn so với mức đỉnh trên 11%/năm vào cuối năm 2022, lãi suất huy động hiện giảm tới 1,5-2%/năm.

Đầu tuần trước, sau khi các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động 0,5%/năm, muộn nhất áp dụng từ 6/3.

Như vậy, sau lần đồng thuận hồi cuối năm 2022 không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, động thái mới nhất này là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa. Giới phân tích cho rằng, lãi suất huy động đã tạo đỉnh và sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN cho biết, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Thực tế vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và NHNN, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 1-2 điểm % cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Hạ lãi suất, kích cầu tín dụng


Việc giảm lãi suất huy động tạo điều kiện cho lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - vốn đang tăng với tốc độ rất chậm trong 2 tháng đầu năm.

Trong hai tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP.HCM ước tăng lần lượt 2% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Với quy mô tín dụng ở hai thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng của cả nước tính đến cuối tháng 0/2023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.

NHNN vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho hay, room tín dụng không phải là vấn đề thời điểm này. Khi van tín dụng đã được xả, tiếp cận vốn không còn là vấn đề thì mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp, của người đi vay lúc này là lãi suất.

Thực tế, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn rất lớn song cung - cầu đang có nhiều bất cập. Nhóm doanh nghiệp khát vốn (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) lại không đủ điều kiện để giải ngân. Còn nhóm doanh nghiệp sản xuất - được ngân hàng ưu tiên cho vay - lại không muốn vay vốn, vì đơn hàng giảm, lãi suất cao.

Vài tháng nay, tốc độ giải ngân vốn tín dụng ra thị trường của các ngân hàng thương mại rất chậm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) thời gian qua luôn dưới 50%, phản ánh các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.

Tại hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp của TP.HCM diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải vay vốn với lãi suất hơn 10%. Theo các doanh nghiệp, lãi suất trung hạn trên 10% đang được áp dụng gây khó khăn, áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Tháng 2/2023, chỉ số sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp cho thấy khó khăn trong hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 chỉ đạt 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê, NHNN, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân chỉ 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với kỳ vọng tại đợt khảo sát trước đó. Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn khá thận trọng khi nhìn về triển vọng kinh doanh năm nay.

NHNN mới đây đã ra văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh thành phố và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cho vay. Việc ổn định mặt bằng lãi suất hướng tới giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ. Song với những áp lực từ thị trường thế giới thì việc giảm mặt bằng lãi suất cũng là nhiệm vụ không dễ dàng với các tổ chức tín dụng trong năm nay. 

Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, tương đương mức tăng đương năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm nay sẽ tăng thấp hơn mục tiêu định hướng của NHNN.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%.

Còn các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chỉ khoảng 11-12%.