Đơn xin nghỉ học của học sinh tiểu học

Trao đổi với PV báo Dân Việt, anh Trương Thế Vinh đã chia sẻ về đơn xin nghỉ học đáng yêu của con gái Trương Thùy Dương, hiện là học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở ngoại ô Thủ Dầu Một, Bình Dương viết. Đơn xin nghỉ học là một văn bản rất bình thường của nhiều thế hệ học sinh, tuy nhiên, cô bé Thùy Dương đã đưa ra một lý do có phần "nhạy cảm" với nhiều người lớn là "tối nhà em lục đục".

Nội dung là đơn xin nghỉ học của Thùy Dương viết như sau: "Em viết đơn này để xin cô cho nghỉ buổi sáng ngày 22/2, chiều em đi học lại. Lý do: Hồi tối nhà em hơi lục đục nên em bị mất ngủ. Em hứa sẽ ghi chép bài vở đầy đủ. Em cảm ơn cô một cách chân thành nhất".

Đơn xin nghỉ học của học sinh lớp 5 khiến ai cũng bật cười vì lý do: "Tối nhà em hơi lục đục" - Ảnh 1.

Đơn xin nghỉ học của bé Thùy Dương. Ảnh: NVCC

Anh Vinh vui vẻ kể lại: "Vợ chồng mình có bé Thùy Dương là con đầu, 11 tuổi, sau là 2 con trai sinh đôi, hơn 2 tuổi. Do tối 21/2, hai em nằm hát đến gần 0h nên con không ngủ được viết đơn xin nghỉ học buổi sáng. Vợ mình thắc mắc sao con dùng từ lục đục mà ba vẫn ký. Con giải thích đâu phải cứ cha mẹ cãi nhau mới lục đục mà cứ cái gì ồn ào, lộn xộn, không sắp xếp được thì là lục đục. Mình đồng ý kiến vì nghĩ hãy để con tự ngẫm về từ, về ngữ cảnh hơn là áp đặt cái truyền thống sử dụng từ ngữ của người lớn".

"Cho con sống thật sự bằng tất cả các trải nghiệm mà môi trường, gia đình có được"

Theo chia sẻ của anh Vinh, Thùy Dương là một cô con gái rất đáng yêu, chăm chỉ, luôn là học sinh xuất sắc qua các năm. Cô bé chưa bao giờ đi học thêm môn nào, buổi nào mà tập trung lắng nghe giảng bài trên lớp, không hiểu thì hỏi lại cô ngay. Bé thường xem bài ở nhà cho môn học, tiết học ngày hôm sau để cô giảng là hiểu ngay và áp dụng được trong bài tập. 

Đơn xin nghỉ học của học sinh lớp 5 khiến ai cũng bật cười vì lý do: "Tối nhà em hơi lục đục" - Ảnh 2.

Gia đình anh Vinh. Ảnh: NVCC

"Thường sau bữa cơm tối (tầm 17h) là khoảng một giờ sau, bé học và làm tất cả các bài tập về nhà ở phòng riêng. Con làm rất nhanh đến 20h là nghỉ ngơi, xem phim, nghe nhạc hoặc viết lách những chuyện trên lớp, trường, trong xóm mình. Có khi làm các món handmade học từ trang mạng. Con thường trao đổi với ba về nghĩa điều mình còn lấn cấn hay cần góp ý, chia sẻ thêm. Gần như là những vấn đề liên quan đến học đường, lứa tuổi, giới tính và gia đình mà con nghe cô, bè bạn kể hay đọc báo mạng, trong sách", anh Vinh tiết lộ. 

Được biết, bé Thùy Dương từng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi hàng năm của báo Nhi Đồng TP.HCM như giải Khuyến học chủ đề viết về "Mái trường mến yêu" năm lớp 2; Năm lớp 3 đạt giải Nhì chủ đề "Cảm ơn những điều yêu thương" viết về những buổi học online tại nhà trong mùa dịch Covid-19; Năm lớp 4 đạt giải Ba, chủ đề "Quê hương em biết bao tươi đẹp" viết về chợ Thủ Dầu Một với tựa đề "Khoảng trời tuổi thơ của tôi".

Gia đình anh Vinh sinh sống là ở vùng ngoại ô với rất nhiều tre, mít, cao su và một số cây ăn trái khác. Thế nên, anh Vinh cũng cho các con có nhiều trải nghiệm đẹp của tuổi thơ. Chia sẻ về quan điểm dạy con, anh Vinh cho hay: "Quan điểm của mình là cho con sớm hình thành sự tự lập trong suy nghĩ, cảm xúc với xung quanh và hành động càng độc lập càng tốt. Những ngày đầu con học mẫu giáo, mình thường giám sát các môi trường giáo dục trong các trường và thay đổi liên tục nếu có cái gì đó không phù hợp hoặc bé không thích. Dần sau này, mình dẫn con cùng đi trong các hoạt động công việc của mình (hồi đó mình làm bên du lịch, là nhân viên kinh doanh khách đoàn nội địa) hay các hoạt động hoà nhập cùng các sự kiện cộng đồng, quốc gia, ngay cả các dịp có giải đá bóng khu vực.

Mình cùng con làm tất cả các công việc gia đình hoặc chia sẻ, lắng nghe, khuyến khích con tìm hiểu sâu một đề tài để làm tốt hơn, an toàn hơn. Mình lắng nghe là chủ yếu vì hoàn toàn tin con, tin cách con tiếp cận chủ đề và trình bày cũng như tiến hành.

Đơn xin nghỉ học của học sinh lớp 5 khiến ai cũng bật cười vì lý do: "Tối nhà em hơi lục đục" - Ảnh 3.

Anh Vinh và con gái Thùy Dương. Ảnh: NVCC

Khi con lớn hơn một chút, mình cho con đi tham quan các trường, phòng học, nhà ăn, khu vực vệ sinh để con chọn trường. Mình cho con chơi thoải mái với bè bạn trong xóm đồng trang lứa, chơi tất cả các môn: cờ vua, ca rô, vẽ, nặn đất, tắm mưa, chạy xe đạp, cấm trại, nấu nướng... hay cả chia phe đánh trận giả.

Khi con vào lớp 2, mình chủ trương cho con quen biết với các tác giả, nhà văn, biên tập viên... mà con đã đọc sách về họ. Mỗi quyển sách bé đọc qua đều phát biểu cảm nghĩ hoặc viết ra để chia sẻ cùng ba. Bên cạnh đó, mình cho con đọc về sách giới tính, những rủi ro trong tai nạn đuối nước, xâm hại... Con học và nghe đọc truyện trên điện thoại để biết cách sử dụng từ, cú pháp, cách diễn đạt ý. Mình cho con đi chợ, siêu thị, cho con đọc về sách cách xài tiền và luôn công bằng về tiền do con làm ra. Mình giữ nhưng thông báo số tiền định kỳ và con dùng tiền đó để mua xe đạp, điện thoại, laptop...

Mình chỉ là người bạn của con, khi con đã biết nghĩ, biết nói điều mình nghĩ và biết đọc. Mình lắng nghe là chính. Mình duy trì một không gian làm cha mẹ là tạo ra không gian an toàn, ấm áp, có động lực cho con tự hoà nhập và tự sắp xếp chắt lọc điều mình muốn. Mình công bằng với con gần như mọi điều, kể cả việc con có quyền can ngăn cha mẹ dừng hay kiềm chế một điều gì đó chưa phù hợp. Điều này rất quan trọng và mình mang ơn điều đó. Vì không ai đủ yêu thương, đủ sáng suốt, hiểu mình bằng các thành viên gia đình. Đặc biệt là con. Nói chung, mình cho con sống thật sự bằng tất cả các trải nghiệm mà môi trường, gia đình có được".

Tào Nga