Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong năm 2021, NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho fintech để góp phần phát triển kinh tế số.

“Đòn bẩy” fintech năm 2021 - Ảnh 1.
 

Thị trường rộng mở

Bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong năm 2020, fintech đã gặt hái được nhiều thành công từ việc huy động vốn cho đến hình thành một thói quen cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, năm 2020 đánh dấu một năm tăng đáng kể số lượng start-up fintech tại Việt Nam. Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 do Fintech News Singapore thực hiện, cho thấy số lượng các start-up fintech của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần trong giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, năm 2017 Việt Nam có 44 start-up thì đến nay con số này đã lên đến 118 start-up, tăng 168%.

Mặc dù vậy, fintech của Việt Nam vẫn còn non trẻ so với nhiều quốc gia khác, các phân khúc bao gồm quản lý dữ liệu, tín dụng, chấm điểm tín dụng và huy động vốn cộng đồng vẫn chưa có đại diện xuất hiện…

Fintech được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ năm 2021, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định về sandbox cho fintech.

Động lực phát triển

Ông Trần Việt Vĩnh, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty CP Ðổi mới công nghệ tài chính (Fiin), cho rằng trong năm 2021, động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các start-up fintech chính là sandbox. "Khi sandbox cho fintech được Chính phủ ban hành, sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các mô hình dịch vụ fintech mới, mang lại tiện lợi cho người dùng" – CEO Fiin khẳng định và khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia sandbox, đồng thời cần cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hơn nữa trong lĩnh vực tài chính số.

Cùng với đó, việc ngân hàng và fintech tiếp tục hợp tác để tạo ra nhiều tiện ích và giá trị cho khách hàng cũng là một trong những động lực phát triển fintech trong năm 2021.

"Ngân hàng đang phối hợp rất chặt chẽ với fintech, thậm chí đầu tư rất quy mô vào các fintech để phát triển dịch vụ. Thực tế cho thấy, fintech không thay đổi mô hình kinh doanh của ngân hàng, mà cùng với ngân hàng đưa ra một cách tiếp cận khách hàng mới. Nói cách khác, fintech là một kênh bán hàng theo mô hình mới cho ngân hàng" – ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch Ví MoMo cho hay.

Và quan trọng nhất, để phát triển lĩnh vực fintech nói riêng và tài chính số nói chung, quan trọng nhất vẫn là yếu tố người dùng. "Bên cạnh sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp fintech, thì Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách khuyến khích người dân sử dụng các phương thức giao dịch tài chính số, như vậy sẽ góp phần phát triển nền kinh tế số. Bởi nếu không có tài chính số, thì khó có thể hình thành được nền kinh tế số" – ông Vĩnh cho hay.

Theo Nguyễn Long

Diễn đàn doanh nghiệp

Link nguồn: https://cafef.vn/don-bay-fintech-nam-2021-20210102163711223.chn